Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Chúa Giêsu hiện diện bao lâu trong Bánh Thánh sau khi ta rước lễ?

Chúa Giêsu hiện diện bao lâu trong Bánh Thánh sau khi ta rước lễ?

Gia sản quý báu nhất mà Giáo Hội Công Giáo có được chính là bí tích Thánh Thể - là chính Chúa Giêsu ẩn mình trong chất thể bánh rượu. Chúng ta xác tín, "Trong bí tích Thánh Thể cực trọng hiện diện "mình và máu, cùng với linh hồn và thần tính, của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và vì vậy, Đức Kitô được ẩn chứa cách đúng đắn, chân thật và bản thể." (Giáo lý điều 1374)

Sự hiện diện này của Chúa Kitô không chấm dứt ngay lập tức khi ta rước lễ. Giáo lý dạy thêm rằng "Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể bắt đầu vào thời điểm truyền phép và kéo dài bao lâu chất thể Bánh Rượu còn tồn tại." (Giáo lý điều 1377)

Vậy điều đó có ý nghĩa thế nào với chuyện ta rước Người vào miệng? Sự hiện diện thật sự của Người trong cơ thể ta sẽ kéo dài bao lâu?

Có một câu chuyện nổi tiếng trong cuộc đời của Thánh Philipphê Nêri có thể giúp ta trả lời thắc mắc trên. Một ngày kia, khi Thánh Philipphê Nêri cử hành Thánh lễ, có một người đàn ông rước lễ và rời khỏi nhà thờ sớm. Người đàn ông có vẻ không quan tâm gì đến Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể, nên Thánh Philipphê quyết định sử dụng cơ hội này để dạy một bài học. Ngài sai hai cậu giúp lễ cầm hai cây nến cháy đi theo người đàn ông kia ra khỏi nhà thờ. Sau khi đi qua vài con đường của thành Rôma, người đàn ông phát hiện hai cậu giúp lễ cứ tò tò đi theo mình. Bối rối quá, ông ta bèn quay lại nhà thờ và hỏi Thánh Philipphê Nêri cho rõ lý do của chuyện đó. Thánh nhân đáp: "Chúng tôi phải tôn kính đúng mức đối với Chúa chúng ta, Đấng mà ông đang mang trong mình ông. Bởi ông xao lãng việc tôn thờ Người, tôi phải gửi hai cậu lễ sinh này đi để làm điều đó thay ông." Người đàn ông kinh ngạc với lý do này, và từ đó về sau nhất quyết tôn kính Chúa Thánh Thể cho xứng đáng sau khi rước lễ.

Có thể tin rằng chất thể Bánh Thánh Thể tồn tại trong 15 phút sau khi vào miệng ta. Đó là theo sinh lý tự nhiên, và căn cứ vào giáo lý điều 1377, sự hiện diện của Chúa kéo dài bao lâu Bánh còn tồn tại nguyên hình dạng.

Do đó, nhiều vị Thánh khuyên ta nên dành trung bình 15 phút cầu nguyện sau khi rước Thánh Thể để tạ ơn Chúa. Điều này giúp linh hồn cảm nếm trọn vẹn sự hiện diện của Chúa và có một quan hệ "tim cạnh tim" thật sự với Chúa Giêsu.

Trong thế giới bộn bề ngày nay, xem ra khá khó khăn để ở lại cầu nguyện lâu sau Thánh lễ, nhưng chắc chắn không có nghĩa là chúng ta không thể cầu nguyện một lát. Điều cực kỳ quan trọng là ta ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bánh Thánh mà ta ăn vào miệng, tồn tại trong lòng ta nhiều phút, và ban cho ta khoảnh khắc đặc biệt là ta có thể giao tiếp với Chúa và cảm nghiệm tình yêu của Người.

Nếu có ngày nào bạn quên Chúa hiện diện trong bạn mà bỏ khỏi nhà thờ sớm, đừng ngạc nhiên nếu thấy cha xứ cho vài người giúp lễ tò tò đi theo bạn ra xe về nhà nhé.

Gioakim Nguyễn chuyển dịch


HÃY XEM LẠI LỐI SỐNG ĐẠO CỦA CHÚNG TA!

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Trước và sau tết Nguyên Đán, người dân Việt Nam nói chung, nhất là miền Bắc, không ai lại không biết đến ít nhiều lễ hội.

Theo thống kê 2009 trên vi.wikipedia, hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%). Các địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương và Phú Thọ.

Qua những lễ hội này, chúng ta thấy được một phần nào truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam. Điều này rất bổ ích, nhất là cho thế hệ trẻ! Tuy nhiên, trong những năm gần đây, có khá nhiều nơi đã lạm dụng lễ hội để kinh doanh, buôn bán và mê tín dị đoan. Từ đó, kéo theo một loạt những hệ lụy không đẹp như trộm cắp, đánh đập, chửi bới và hành xử thiếu văn hóa ngay chốn linh thiêng…, làm cho lễ hội nhuốm màu trần tục!

Hôm nay, Tin Mừng cũng thuật lại việc những nhà lãnh đạo tôn giáo thời Đức Giêsu đã biến đền thờ là chốn linh thiêng, là nơi dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa thành nơi buôn bán và trao đổi tiền bạc. Thấy vậy, Đức Giêsu đã thẳng tay đánh đuổi để trả lại cho đền thờ đúng với ý nghĩa của nó.

Qua đó, Ngài muốn dạy cho chúng ta rất nhiều bài học sau biến cố này.

1. Lý do khiến Đức Giêsu đánh đuổi con buôn

Đền thờ Giêrusalem là một đền thờ nguy nga, tráng lệ vào bậc nhất thời đó. Đền thờ này được dùng vào việc tôn thờ Thiên Chúa và là nơi quy tụ những người Dothái hằng năm vào dịp lễ Vượt Qua.

Câu chuyện căng thẳng giữa Đức Giêsu và dân chúng đã xảy ra đúng vào thời điểm này.

Khởi đi từ việc Đức Giêsu quan sát và thấy được người ta đổi tiền, mua bán súc vật ngay trong đền thờ, làm cho đền thờ trở nên ô uế!

Điều đáng nói là: theo quy định, những con vật được dùng vào việc tế lễ phải là con vật lành lặn không tỳ vết. Những người chính thức được các chức sắc chỉ định mới đủ thẩm quyền để tuyên bố con vật xứng đáng sau khi đã kiểm tra! Tuy nhiên, con vật đủ kiều kiện để dùng vào việc tế lễ phải là con vật được mua trong nơi quy định của các tư tế và nó sẽ đắt gấp 15 lần so với bên ngoài. Hơn nữa, người mua còn phải trả một loại phí không nhỏ cho những người kiểm tra!

Bên cạnh đó, nơi đây còn diễn ra chuyện đổi tiền. Theo luật thì buộc mỗi người Dothái phải nộp thuế cho đền thờ từ 19 tuổi trở lên. Tiền thuế phải nộp là nửa siếc-lơ, tương đương với hai ngày lương công nhật.

Vì là lễ Vượt Qua không chỉ dành riêng cho người Dothái tại chỗ, mà còn cho cả những người Dothái ở nhiều nơi khác hội tụ về, nên tiền họ mang theo cũng đủ loại…. Nhưng tiền nộp vào đền thờ lại chỉ được chấp nhận là thứ tiền của người Dothái, vì họ cho rằng chỉ có tiền này mới xứng đáng để nộp thuế đền thờ, các thứ tiền khác là ô uế!

Chính vì lý do đó nên việc đổi tiền đã diễn ra tại nơi đây với giá cắt cổ.

Chứng kiến cảnh tượng đó, cộng thêm: “Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn”(Tv 68.10), nên Đức Giêsu đã bừng bừng nổi giận. Thánh Gioan cho biết là Ngài đã lấy dây bện thành một ngọn roi xua đuổi bọn họ và đạp đổ tung thùng tiền (x. Ga 2, 14-17).

Khi có hành vi ấy, Đức Giêsu cho thấy những hệ lụy đầy bất công của những kẻ lãnh đạo tinh thần thời bấy giờ, đó là: họ đã nhân danh tôn giáo để đè đầu cưỡi cổ và bóc lột dân, nên Ngài đã không thể chấp nhận tình trạng ấy diễn ra ngay tại nơi dành riêng để tôn thờ Thiên Chúa, vì thế, Đức Giêsu nói: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 2,16). Lời cảnh cáo này của Đức Giêsu cho thấy Ngài đã nhắc lại lời của Ngôn Sứ Isaia khi xưa: “Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Is 56,7).

2. Thực trạng đời sống đạo của chúng ta

Khi xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, Đức Giêsu mặc khải và dạy cho chúng ta những bài học thật bổ ích, đó là:

Cần cẩn trọng và đừng nên mừng vội khi thấy mỗi Chúa Nhật và các dịp lễ trọng, người đi lễ nườm nượp và ngồi chật kín cả nhà thờ, nhất là tuần làm phúc (trước Tuần Thánh) và Tuần Thánh. Có lẽ về khía cạnh này, Giáo Hội Việt Nam đứng đầu bảng trên toàn thế giới. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng và rất nên khuyến khích cũng như phát huy.

Tuy nhiên, điều đáng tự hào ấy lại cần phải xem xét lại, vì biết bao nhiêu người chỉ tập chung vào những chuyện bên ngoài như đi “xem lễ” chứ không “sống thánh lễ” trong đời sống của mình.

Lại có những người siêng năng tham dự thánh lễ và chăm chú nghe giảng rồi lên rước lễ rất sốt sắng như thiên thần. Nhưng khi ra khỏi nhà thờ, họ sẵn sàng chửi bới, nói hành nói xấu, buôn gian bán lận, ăn chơi trác táng… không khác gì dân chơi thứ thiệt hạng sang ngoài đời! Hơn nữa, việc đi lễ, thuộc kinh là một chuyện, còn chuyện coi bói, xem quẻ, thờ ông địa, bái gốc đa, khấn gốc gạo với viện cớ rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành…” lại là chuyện thường tình xảy ra hằng ngày ngay tại các cộng đoàn tín hữu với những sinh hoạt tôn giáo sầm uất!

Và, vẫn còn đó những người rất năng nổ tham gia chuyện quyên góp để xây dựng những công trình tôn giáo, nhưng đền thờ tâm hồn lại không màng chi đến hoặc có quan tâm thì cũng chẳng khác gì cưỡi ngựa xem hoa! Vì thế, việc xây dựng đền thờ tâm hồn với những nét đẹp như: từ bi, nhân hậu, bao dung, tha thứ, xây dựng tình huynh đệ, tạo sự hiệp nhất, liên đới, cảm thông…, thì lại quá xa lạ đối với những người xem ra có vẻ đạo đức ấy!

Hơn nữa, điều đáng buồn nhất, đó là nhiều khi chúng ta lại đi lại chính vết xe của những nhà lãnh dạo tôn giáo khi xưa, đó là: nhân danh lề luật, tôn giáo và nhân danh Thiên Chúa để làm bình phong, nhằm ngụy trang cho những thói lưu manh, gian dối bẩn thỉu của mình!!!

Tắt một lời, tin Chúa như vậy là hình thức, là vỏ bọc, là đầu môi chóp lưỡi, còn thực chất bên trong là rỗng tuếch! Tin Chúa như vậy được ví như tin có mùa vụ. Tin lúc thuận tiện. Tin khi có lợi mà thôi…
.
3. Sứ điệp Lời Chúa

Bài học cho chúng ta hôm nay chính là: ngoài việc tôn kính nhà thờ, nhà nguyện là nơi dành riêng để thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta còn có một đền thờ khác, đó là đền thờ thân xác của mỗi người. Thánh Phaolô nói: “Thân xác anh em là đền thờ Thiên Chúa” (1 Cor 3, 16).

Vì vậy, mỗi người chúng ta phải có bổn phận xây dựng cho mình một ngôi đền thờ xứng đáng để cho Thiên Chúa ngự. Ngôi đền thờ này phải được xây dựng bằng nền móng vững chắc là đức tin và lòng mến thật tâm. Cần phải được trang trí bằng những việc đạo đức, bác ái, khoan dung, quảng đại, thông cảm và tha thứ.

Mặt khác, chúng ta đang sống trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy canh tân để đổi mới. Canh tân lối sống cũ không phù hợp với giá trị Tin Mừng. Đổi mới từ con người tội lỗi, hình thức, hào nhoáng bên ngoài thành con người có chiều sâu nội tâm bên trong qua việc ăn năm sám hối thật lòng….

Ước gì sứ điệp Lời Chúa hôm nay được chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận và sống sao cho thật đẹp lòng Chúa, ngõ hầu xứng đáng là đền thờ cho Thiên Chúa Ba Ngôi ngự. Amen. 

SUY NIỆM NGÀY 2/3/2018

Lời Chúa: Lc 16, 19-31  

19
 “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình.20Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu,21 thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.22 Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn. 23 “Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ.24 Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!25Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.26 Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được. 27 “Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con,28 vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.30 Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.31 Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”
SUY NIỆM 

Hằng ngày trong cuộc sống ta thấy quanh mình đó là những tiếng động. Nhưng trong những tiếng động ấy chúng ta dễ dàng nhận ra tiếng rơi của đồng tiền hơn là tiếng kêu bố thí của người nghèo. Chúng ta thường bị lôi cuốn bởi cách sống xa hoa phong phú, hơn là tiếng kêu chia sẻ của những người đói khổ. Chúng ta thường bị lôi cuốn vào nếp sống ích kỷ hơn là tiếng kêu sống quảng đại của những người khốn khổ.

Chắc hẳn bài học của ông nhà giàu với anh nghèo Lazarô trong đoạn Tin Mừng hôm nay sẽ là bằng chứng. Vì ham tiền, ham xa hoa phong phú, ham sống ích kỷ nên cuối cùng số phận của ông nhà giàu đã bị định đoạt bởi lối sống phản Tin Mừng của ông ta. Đó là mất sự sống đời đời. Lúc này, tiền bạc, giàu sang, danh lợi không còn giá trị gì với ông ta. Trước mắt đó là những cực hình muôn thuở.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con biết can đảm dùng những của cải nay còn mai mất, để mua lấy sự sống vĩnh cửu cho chúng con, bằng đời sống yêu thương phục vụ những người nghèo khổ. Vì phục vụ người nghèo khổ là con đường dẫn chúng con đến gặp Chúa ở đời này và đời sau. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SINH LỢI CHO NƯỚC CHÚA

“Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” (Mt 21,43)

Mời Bạn: Chúa Giê-su thật là một nhà giáo và là nhà giảng thuyết bậc thầy. Để vạch trần âm mưu tàn độc của giới chức lãnh đạo Do Thái, vừa mở lối mời gọi họ hối cải, Chúa dùng dụ ngôn với những nhân vật và sự kiện làm hình ảnh biểu trưng giúp người nghe hiểu và nhận ra chính mình trong đó. Qua dụ ngôn ông chủ vườn nho và những tá điền hung ác, Chúa Giê-su thúc bách mỗi người chúng ta tự vấn: Trong vườn nho của Chúa là Giáo Hội, liệu chúng ta có là những tá điền tốt, hay hơn nữa, là người con hiếu thảo biết cộng tác chăm sóc xây dựng vườn nho Giáo Hội của Chúa, hay ngược lại, chúng ta là những tá điền hung ác âm mưu phá hoại, chiếm đoạt vườn nho Chúa và còn hành hung giết hại những người được Chúa sai đến? Khi nhận ra những tội lỗi của mình đã bị Chúa vạch trần, chúng ta có thành tâm hoán cải hay tiếp tục cứng lòng, vô cảm trước lời mời gọi của Chúa? Với cái nhìn đức tin, chúng ta nhận ra rằng mình là những tông đồ được Chúa sai đi cộng tác và sinh lợi cho Nước Chúa trong thời đại hôm nay. Chúng ta đã thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng như thế nào?

Chia sẻ: Bạn có tham gia hoạt động tông đồ nào để xây dựng Giáo Hội nơi bạn sinh sống, làm việc không? Bạn có sáng kiến gì để nói về Chúa cho những người mà bạn gặp gỡ hằng ngày không?

Sống Lời Chúa: Không thờ ơ vô cảm đứng bên lề Giáo Hội, nhưng tham gia vào một đoàn thể tông đồ trong giáo xứ để tích cực hoạt động xây dựng và phát triển Giáo Hội.

Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

ƠN GỌI HÔN NHÂN VÀ ÐỜI SỐNG GIA ÐÌNH

ƠN GỌI HÔN NHÂN
VÀ ÐỜI SỐNG GIA ÐÌNH
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Lời mở đầu cho loạt bài chủ đề trên đây:
GIA ÐÌNH: CỬA NGÕ LỜI NHẬP THỂ
Chúng ta đang cùng với chung Kitô Giáo và riêng Giáo Hội Công Giáo Long Trọng Mừng Kỷ Niệm (the Great Jubilee) 2000 Năm Thiên Chúa Giáng Sinh Làm Người. Thế nhưng, "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Jn 1:14) như thế nào, nếu không phải "Thiên Chúa vô hình" (Col 1:15), "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24) đã thực sự đi vào trần gian qua ngưỡng cửa của đời sống gia đình, một đời sống mà ngay từ ban đầu đã được chính Thiên Chúa cố ý thành lập, qua việc Ngài dựng nên con người "có nam có nữ" (Gn 1:27) và đã đứng ra chủ hôn trong việc kết hợp họ "nên một xương thịt" (xem Gn 2:23-24), để họ có thể "sinh sôi nẩy nở tràn lan khắp trái đất mà làm chủ nó" (Gn 1:28) như dự án của Ngài.
Tuy nhiên, 2000 Năm sau biến cố Nhập Thể và Giáng Sinh của mình, Thiên Chúa chẳng những không thấy loài người trở nên thanh sạch và lành thánh hơn, trái lại, càng văn minh họ lại càng băng hoại hơn bao giờ hết, hơn cả thời kỳ đại hồng thủy trong Cựu Ước ngày xưa, lúc mà: "con người chỉ toàn là xác thịt" (Gn 6:3), đến nỗi "khi Thiên Chúa thấy con người quá ư là bại hoại tội lỗi trên trái đất này và thấy rằng lòng trí họ chỉ toàn là sự dữ thì với một tấm lòng sầu thảm Ngài tỏ ra hối hận vì đã dựng nên con người trên thế gian. Thế là Chúa phán: 'Ta sẽ loại trừ khỏi mặt đất loài người Ta đã tạo dựng.' Trước mắt của Thiên Chúa thì trái đất đã bị băng hoại và đầy những lăng loàn" (Gn 6:5-7, 11).
Thật vậy, bộ mặt trái đất là văn hóa của con người nói chung và bản thân con người nói riêng ngày nay còn "băng hoại và lăng loàn" còn hơn cả thời đại hồng thủy nữa! Ở chỗ, ngày xưa người ta chưa văn minh bằng ngày nay, chưa cho rằng mình sống nhân bản như ngày nay, thế mà, chính lúc con người văn minh (về khoa học và kỹ thuật) và nhân bản (về ý hệ và văn hóa) ngày nay lại hùa nhau quay ra phản lại Ðấng Tối Cao của mình, chẳng những trong việc hạ bệ Ngài xuống, bằng cách hủy bỏ những gì Ngài đã thiết lập ngay từ ban đầu liên quan đến hôn nhân và gia đình (xem Gn 2:23-24, 1:28), khi ngang nhiên cho phép ly dị và phá thai, mà còn thay chỗ của Ngài bằng một ngẫu tượng duy nhân bản, một con bò đúc bằng vàng (xem Ex 32:1, 4), khi cho phép hôn nhân đồng tính và tạo sinh ngoại nhiên v.v.
Bởi thế, để thực sự Long Trọng Mừng 2000 Năm Thiên Chúa Nhập Thể Giáng Sinh Làm Người, tức là để cảm tạ tri ân "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình" (Jn 3:16), nhất là "đã không dung tha cho Con mà lại phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Rm 8:32), Kitô hữu giáo dân chúng ta không gì bằng hãy ý thức lại ơn gọi hôn nhân của mình và nhờ đó cố gắng sống đời sống gia đình trong ý nghĩa đích thực và cao cả của nó đúng như ý định của Thiên Chúa. Ðó là lý do hiện hữu của những bài chia sẻ về hôn nhân và gia đình xin được trình bày cùng quí độc giả sau đây.

GIA ÐÌNH MỪNG NĂM THÁNH 2000
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
"Mỗi một gia đình, một cách nào đó, phải dự phần vào việc sửa soạn cho cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng (The Great Jubilee)... Không phải hay sao, qua gia đình, gia đình Nazarét, mà Con Thiên Chúa đã chọn để đi vào lịch sử loài người". (đoạn 28)
Vậy, theo lời trên đây của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến (Tertio Millennio Adveniente) được ngài ban hành vào cuối năm 1994 cũng chính là Năm Quốc Tế Gia Ðình, gia đình Kitô hữu Công Giáo "phải dự phần vào việc sửa soạn cho cuộc Mừng Kỷ Niệm Long Trọng (The Great Jubilee)" như thế nào, nếu không phải bằng những việc liên quan giữa gia đình và Năm Thánh như sau.
Mừng Năm Thánh 2000: Vợ Chồng Lập Lại Hôn Ước
Năm 2000 là năm Mừng Kỷ Niệm Long Trọng 2000 năm "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), tức là năm Mừng Kỷ Niệm Long Trọng cuộc nhiệm hôn (xem Mathêu 22:2) hay cuộc Ngôi Hiệp (hypostatic union) của Thần Tính và Nhân Tính được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô và được tỏ hiện khi Người Giáng Sinh. Chính vì cuộc nhiệm hôn của Lời Nhập Thể là thực tại hôn nhân của các cặp vợ chồng trong việc hoàn toàn "nên một xác thịt" (Khởi Nguyên 2:24), mà vợ chồng Kitô hữu nên, âm thầm song long trọng, lập lại hôn ước vào chính dịp kỷ niệm thành hôn của mình trong năm 2000, tại nơi mình đã làm lễ cưới (càng tốt, nếu có thể).
Trước Thánh Lễ lập lại hôn ước, hai vợ chồng nên giành ra một thời gian, (chẳng hạn, hẳn một ngày trước hay vài tiếng ngay trước Thánh Lễ), để tĩnh tâm riêng với nhau, lợi dụng thời gian qúi báu này, suy nghĩ về ơn gọi hôn nhân cao trọng của mình theo ánh sáng Mạc Khải thần linh. Vợ chồng cần phải đọc lại cho nhau nghe bài huấn dụ hôn nhân của Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô đoạn 5, từ câu 22 đến hết câu 33, rồi căn cứ vào bài huấn dụ Thánh Kinh ấy, kiểm điểm với nhau về đời sống vợ chồng, sau đó thành thực xin lỗi nhau nếu thấy mình thực sự lầm lỗi, sau hết cùng nhau hứa quyết sống trọn lành hơn, với những quyết định hết sức cụ thể và thực tế, đúng như mô phạm của hôn nhân toàn hảo là tình yêu nên một giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trong Thánh Lễ, hai vợ chồng mỗi người âm thầm cùng một lúc lập lại lời hôn ước của mình vào giây phút rước lễ xuống. Sau Thánh Lễ, hai vợ chồng đến trước tòa Ðức Mẹ dâng mình cho Mẹ, sau đó cả nhà ăn mừng kỷ niệm thành hôn và tạ ơn Chúa ở tại nhà hay tại nhà hàng (tùy tiện).
Mừng Năm Thánh 2000: Cha Mẹ Con Cái Hòa Giải
Năm 2000 là một Ðại Năm Thánh, một "năm hồng ân của Chúa" (Isaia 61:1; Luca 4:19), thời điểm được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II xác định trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến của ngài ban hành cuối năm 1994 là Năm Quốc Tế Gia Ðình:
"Ðối với Giáo Hội, thực sự việc mừng kỷ niệm chính là mừng năm hồng ân này của Thiên Chúa, một năm thứ tha các tội lỗi và các hình phạt bởi tội, một năm hòa giải tranh chấp giữa các phe phái, một năm cải thiện gấp bội và làm việc thống hối theo bí tích cũng như không theo bí tích" (đoạn 14).
Bởi vậy, để sống Năm Thánh 2000 là "một năm hòa giải tranh chấp" này, mỗi gia đình nên tìm một ngày nào đó ý nghĩa nhất trong năm, chẳng hạn ngày Lễ Trọng Kính Thánh Giuse (Chúa Nhật 19-3), hoặc Ngày Hiền Mẫu - Mother Day (Chúa Nhật thứ hai trong Tháng Năm) hay Ngày Thân Phụ - Father Day (Chúa Nhật thứ ba trong Tháng Sáu), hoặc ngày mừng sinh nhật của người cha hay người mẹ trong gia đình, họp nhau lại làm giờ hòa giải chung. Chương trình gồm có hai mục chính thức là nghe Lời Chúa rồi chia sẻ tâm tình giữa cha mẹ và con cái.
Về việc nghe Lời Chúa, tùy theo tình hình trong gia đình bấy giờ, có thể chọn những bài đọc Lời Chúa thích hợp như sau. Nếu cần hòa giải bất hòa giữa con cái với nhau, thì cha hay mẹ có thể đọc bài Cựu Ước trích trong Sách Khởi Nguyên đoạn 37, từ câu 12 đến hết câu 36 và đoạn 45 từ câu 1 đến hết câu 15, về việc Giuse bị anh em bán đi song vẫn vì Chúa tha cho họ. Nếu con cái bất mãn với cha mẹ, thì một trong số con cái nên đọc bài Thánh Kinh Cựu Ước cũng trích trong Sách Khởi Nguyên, đoạn 9, từ câu 1 đến hết câu 29, về việc thái độ của các con đối với ông bố là Noe say rượu nằm ngủ. Nếu cha mẹ trục trặc với con cái, thì cha hay mẹ nên đọc bài Phúc Âm theo Thánh Luca, đoạn 15 từ câu 11 đến hết câu 32, về dụ ngôn người cha nhân lành đối với đứa con hoang đàng.
Về việc hòa giải với nhau, cả cha mẹ lẫn con cái đều cần phải lấy lòng khiêm nhượng lắng nghe nhau. Con cái hãy nhớ rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa vô cùng khôn ngoan và trọn hảo mà còn vâng phục cha mẹ mình là Mẹ Maria và Bõ Giuse (xem Luca 2:51), thì họ cũng phải nghe lời răn dạy của cha mẹ là các vị đại diện Chúa để sinh thành dưỡng dục họ, dù những gì cha mẹ dạy bảo hay sai khiến hoặc cấm đoán có trái ý thích, ý nghĩ và ý muốn tự nhiên của mình, miễn là điều đó không có tội thật rõ ràng. Phần cha mẹ cũng phải kính trọng con cái là những con người cao qúi Chúa ban cho mình, là những nén bạc vô giá Ngài ký thác cho mình sinh lợi (xem Mathêu 25:14-30), và hết sức dưỡng dục chúng như Mẹ Maria và Thánh Giuse đối với Chúa Giêsu vậy; chẳng những tỏ ra luôn luôn thông cảm với những thiếu sót và yếu đuối của chúng, mà còn, nếu cần, cha mẹ đừng ngại xin lỗi con cái mình để phục hồi lòng tín cẩn và cảm phục của chúng là những gì hết sức thiết yếu cho việc đạt thành giáo dục. Cha mẹ phải làm sao để con cái có thể dễ dàng và thành thực cởi mở thì buổi hòa giải gia đình mới có kết qủa tốt đẹp. Nếu cần, cha mẹ hãy tự gợi ý cho con cái những gì chúng không dám nói ra, nhất là hãy tỏ ra sẵn sàng và rất muốn nghe tất cả những gì chúng nói để hiểu chúng hơn. Ðể kết thúc buổi gia đình hòa giải, cả nhà cầm tay nhau hát Kinh Hòa Bình.
Mừng Năm Thánh 2000: Gia Ðình Trau Dồi Ðức Tin
Ðể mở đầu cho loạt bài Giáo Lý Năm Thánh 2000, vào ngày thứ tư 19-11-1997, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã kêu gọi con cái mình như sau:
"Tôi đã xin tất cả mọi phần tử của Giáo Hội 'hãy mở lòng mình ra cho những khơi động của Thần Linh', để sửa soạn 'cử hành Cuộc Mừng Kỷ Niệm với một đức tin mới mẻ và một sự tham gia bao rộng' (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 59). Lời kêu mời này càng ngày càng trở nên khẩn thiết hơn khi ngày lịch sử đó đang tiến tới. Thật vậy, biến cố này diễn ra như một lằn mức phân chia giữa hai thiên niên với một giai đoạn mới đang bừng lên tương lai của Giáo Hội cũng như của nhân loại. Chúng ta phải sửa soạn cho biến cố này trong ánh sáng của đức tin. Ðúng thế, đối với các tín hữu, cuộc vượt qua từ đệ nhị sang đệ tam thiên niên không phải chỉ là một chặng đường trong cuộc tiến hành không ngừng nghỉ của thời gian, mà còn là một dịp đáng kể để nhận thức rõ hơn dự án của Thiên Chúa đang giãi bày trong lịch sử của loài người". (tuần san L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 26-11-1997; những chỗ in đậm là do người viết có ý nhấn mạnh hơn).
Như thế, từ phương diện tiêu cực là việc cải thiện đời sống để có thể tối đa lãnh hưởng tình thương của Thiên Chúa trong Thời Ðiểm Hồng Ân, Kitô hữu đã tiến thẳng vào chính trọng tâm của Thời Ðiểm Hồng Ân, một trọng tâm mà Ðức Thánh Cha đã nhắc lại và nhấn mạnh trong bài Giáo Lý Năm Thánh 2000 ngày 18/3/1998 như sau:
"Mục tiêu chính yếu của Cuộc Mừng Kỷ Niệm, đó là 'việc kiên cường đức tin cũng như kiên cường chứng tá của Kitô hữu' (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, đoạn 42)" (tuần san L'Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 25-3-1998).
Vậy, là một Giáo Hội tại gia (Ecclesia domestica), gia đình cũng phải là môi trường truyền bá phúc âm trước nhất. Việc truyền bá phúc âm trong gia đình này là việc của bậc làm cha làm mẹ. Không phải chỉ cần lo cho con cái có đủ cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đến trường v.v. là xong phận sự của thành phần cha mẹ Kitô hữu Công Giáo. Cũng không phải dạy con cái thuộc các kinh căn bản cần thiết, bắt chúng đọc kinh hằng ngày và đi học giáo lý hằng tuần là đủ. Cha mẹ cần phải bỏ giờ ra đích thân dạy giáo lý (hay ít là xem con cái học giáo lý đến đâu và học được những gì), không nên khoán trắng cho học đường hay thày cô muốn dạy sao thì dạy, miễn là con mình được chịu phép bí tích cần là xong. Nếu thấy mình chưa đủ kiến thức về giáo lý, hãy bỏ giờ ra học thêm, bằng cách đọc sách hay tìm hiểu nơi các vị chủ chăn hoặc các chuyên viên giáo lý.
Mỗi gia đình nên lợi dụng thời điểm Năm Thánh 2000 để bắt đầu chương trình chia sẻ Lời Chúa hằng ngày, vào trước mỗi buổi kinh tối trong gia đình. Giờ kinh tối các ngày trong tuần (trừ cuối tuần) của chung gia đình nên vắn tắt hơn, nếu quyết định thêm giờ chia sẻ bài đọc Phúc Âm theo phụng vụ Lời Chúa của Thánh Lễ hằng ngày, (cha mẹ muốn đọc kinh hơn nữa thì nên đọc riêng sau đó hay vào lúc nào đó trong ngày). Cuối tuần, rảnh rỗi hơn, cả nhà nên thêm giờ đọc sách thiêng liêng chung, như đọc truyện các thánh, hoặc đọc riêng song chia sẻ chung vào trước giờ kinh tối chẳng hạn.
"Thật vậy, gia đình Kitô giáo là cộng đoàn đầu tiên được kêu gọi để loan báo Phúc Âm cho con người trong thời kỳ họ phát triển và làm cho họ là nam hay nữ đạt đến tầm mức trưởng thành về nhân bản cũng như về Kitô giáo qua việc triển khai giáo dục và giáo lý" (Lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông Huấn Fa mi liari s Cons ortio về vai trò của gia đình Kitô giáo trong thế giới tân tiến, đoạn 2)
Gia đình Kitô hữu Công Giáo chúng ta có mừng Năm Thánh 2000 một cách đặc biệt như thế, giữa vợ chồng với nhau, cha mẹ với con cái, nhất là chung cả gia đình như thế, chúng ta mới có thể tiến vào ngàn năm thứ ba Kitô giáo đúng với những gì Giáo Hội mong đợi, qua lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết cũng trong Tông Huấn vừa được trích dẫn trên:
". Gia đình như là một 'Giáo Hội thu nhỏ' (Church in miniature), ở chỗ, theo cách thế riêng của mình, gia đình là hình ảnh sống động và là biểu hiện lịch sử của mầu nhiệm Giáo Hội. Gia đình được tháp nhập vào mầu nhiệm Giáo Hội đến nỗi trở nên, theo cách thế của mình, một tham dự viên vào sứ mệnh cứu độ riêng của Giáo Hội. Vì lý do này, họ (vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu) chẳng những lãnh nhận tình yêu của Chúa Kitô và trở nên một cộng đoàn được cứu độ, mà còn được kêu gọi để truyền đạt tình yêu của Chúa Kitô cho anh em mình nữa, nhờ đó trở nên một cộng đoàn cứu độ. Như thế, trong khi gia đình Kitô hữu là hoa trái và là dấu hiệu của sinh lực dồi dào nơi Giáo Hội thì nó cũng làm tiêu biểu, chứng từ và tham phần vào vai trò làm mẹ của Giáo Hội". (đoạn 49)
Tổng Giáo Phận Los Angeles 14-4-1999
Ðaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

THIÊN CHÚA LUÔN THA THỨ

THIÊN CHÚA LUÔN THA THỨ

Cha O' Malley đang ngồi soạn bài giảng cho Thánh Lễ Chúa Nhật, thì thình lình điện thoại từ bệnh viện gọi đến, xin cha tới ban bí tích cuối cùng cho một bệnh nhân già. Vượt chặng đường dài hơn 40 cây số, ngay trong đêm mưa bão, cha đã tới với bệnh nhân. Ông ta tên là Tom, gọi tắt của tên Thomas tuy vẫn còn tỉnh táo nhưng tinh thần và sức khỏe đều trong tình trạng suy sụp, ông già lại không còn ai là thân nhân bạn bè, lúc nào cũng say bét vì rượu.

Sau khi thưa "A-men" kết thúc phần cầu nguyện, cha O' Malley thấy bệnh nhân có vẻ tươi tỉnh hơn, liền gợi ý: "Thế, ông có muốn xưng tội không ?" Ông già Tôm trả lời: "Không, không, tôi chỉ muốn nói chuyện với cha một chút thôi, có lẽ tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa !" .Và rồi, cả hai người cùng trò chuyện, mỗi lúc một thêm thân tình. Suối 2 tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng có dịp, cha O' Malley lại hỏi xem ông già có điều gì muốn xưng thú không. Ngài thăm dò: "Hình như trong đời, ông đã từng làm một điều gì đó không được tốt mà nay ông thấy rất khó nói ra thì phải... "

CON TIM THIÊN CHÚA LÀ NƠI TRÚ ẨN CỦA TỘI NHÂN
Mãi rồi ông già Tom mới đành thố lộ: "Thôi được, thưa cha, con là một người làm nghề bẻ ghi trên đường xe lửa. 32 năm trước, con đang công tác tại thị trấn Babers Field . Cũng vào một đêm giông bão mịt mùng như đêm nay, con và đám bạn bè đã mải vui nên uống quá chén. Thế rồi, đến 8 giờ 30 tối, con vẫn nhớ lết chân ra trạm bẻ ghi cho một chuyến tầu chở hàng sắp chạy qua, thế nhưng chỉ vì quá say mà con đã lỡ tay đẩy trệch đường ray, và kết quả là chiếc xe lửa đã đâm vào một chiếc ô-tô, giết chết một cặp vợ chồng và hai đứa con gái của họ. Con còn nhớ, hình như chỉ có một cậu trai sống sót... Từ dạo đó, lúc nào con cũng luôn bị ám ảnh mình chính là nguyên nhân cái chết của những con người xa lạ đáng thương ấy..."

Một khoảng yên lặng sau lời tự thú của ông già Tom. Bỗng cha O' Malleyg nhẹ nhàng đặt tay trên vai ông và nói: "Nếu tôi còn có thể tha thứ cho ông, thì huống chi Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, chắc chắn Người cũng tha thứ cho ông. Tôi thật bàng hoàng về câu chuyện của ông, bởi những người trên chiếc xe bị nạn cách đây 32 năm ấy chính là cha mẹ và hai chị gái của tôi !"

THIÊN CHÚA THA THỨ

Có một bà cụ già đạo đức trong Giáo xứ vẫn thường nhiều lần bấm chuông xin vào gặp cha xứ để kể lể về những lần Chúa Giêsu đã hiện ra với bà. Cha xứ cho rằng bà lão khéo tưởng tượng, thậm chí đã lú lẫn mê mụi rồi. Chịu khó ngồi lắng nghe đôi ba lần, cha xứ đâm ra bực mình, muốn khỏi mất thì giờ, ngài nảy ra một ý bèn bảo bà cụ: ''Nếu lần sau bà còn được Thiên Chúa hiện ra nữa, bà thử hỏi Chúa xem tôi đã từng phạm những tội gì nhé !''

Bẵng đi mấy tháng liền không thấy bà cụ vào gặp, cha xứ có vẻ khoái chí, cho rằng thế là đã dẹp được một chuyện phiền toái. Không ngờ, một ngày nọ, nghe bấm chuông đi ra, cha lại ngạc nhiên thấy bà. Không đợi hỏi, bà lão kể ngay: ''cha ơi, con chờ mãi, đêm qua Chúa Giêsu lại hiện ra với con, nhớ lời cha dặn, con đã hỏi, và Chúa đã trả lời rằng Người đã quên hết những tội cha đã phạm...!'' 

  • Trong tiếng anh, từ ngữ ''Deep''(cao cả) cũng đồng ngĩa với từ ngữ ''Depth''(thẳm sâu). Thật vậy, sự cao cả cũng là sự thẳm sâu nhất nới Thiên Chúa chính là lòng xót thương. Thiên Chuá không những quên mọi lỗi lầm của chúng ta, mà Người còn quên đi việc Người đã bao nhiêu lần tha thứ cho chúng ta. 

  • Mỗi lần tha thứ, làm như thể Thiên Chúa đã phải vận dụng toàn bộ quyền năng của Người mạnh hơn gấp nhiều lần so với khi Người tạo dựng nên chúng ta … 


(Sưu tầm của cha Tiến Lộc)

Suy niệm ngày 27/2/2018

Lời Chúa: Mt 23, 1-12
1 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng:2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy.3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào.5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài.6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường,7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô.11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em.12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên. 
SUY NIỆM 
 
Người kia kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau: Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ “Bên phải dành cho người Công giáo; bên trái dành cho kẻ ngoại”. Tôi đi theo hàng lang bên phải. 

Đi được một lúc tôi tới ngã rẽ khác, lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau: “Bên phải dành cho người có đức tin vững mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém”. Tôi lại đi theo bên phải. 

Đến một ngã rẽ khác, tôi loại thấy bảng chỉ dẫn “Bên phải dành cho những người có lòng bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ”. Tôi lại chạy qua bên phải. 

Cuối cùng tôi gặp bảng chỉ dẫn “Bên phải dành cho những ai có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những kẻ tội lỗi”. Một lần nữa, tôi chọn bên phải. 

Tôi đang hân hoan rảo bước thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra ở cuối hành lang ấy: cảnh hoả ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết. Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức dậy. Sau một phút, tôi tự hỏi: “Phải chăng cuộc sống đạo của tôi toàn là giả hình như giấc mơ hãi hùng ấy?”  

Giả hình là cơn cám dỗ triền miên trong đời sống của Giáo Hội và ai ai cũng có thể rơi vào cơn cám dỗ này. Và khi đã trở thành giả hình rồi, thì tất cả những lời nói cũng như việc làm của chúng ta sẽ không có tác dụng tốt nữa, mà trái lại sẽ trở nên những phản chứng.

Mùa Chay là mùa của hoán cải. Mà hoán cải bao giờ cũng khởi đầu bằng ý thức về tình trạng tội lỗi, thiếu sót của mình. Khiêm nhường nhìn nhận và can đảm thay đổi đời sống nhờ ơn Chúa giúp, với sự nỗ lực của con người, là điều quan trọng và khẩn thiết của đời sống mỗi người chúng ta. 

Chúng ta hãy cầu xin cho mọi Kitô hữu hôm nay luôn sống chân thành với Chúa, với chính mình và với tha nhân. Nhất là có đời sống cầu nguyện, có những việc làm cụ thể biểu lộ đức công bình và bác ái. Chỉ có như thế chúng ta mới hy vọng thoát được cơn cám dỗ giả hình, một cơn cám dỗ luôn bám sát chúng ta.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

 “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Mt 23,12).

Suy niệm: Ai trong chúng ta cũng ghét thói kiêu căng tự phụ, nhưng yêu thích kẻ khiêm nhường. Chúa Giêsu dựa vào những thói hư tật xấu của các biệt phái và luật sĩ “thích ngồi ở những chỗ nhất”, để cảnh giác chúng ta. Chúa cho ta biết khi được cất nhắc lên trong một chức vụ là nhằm để phục vụ người khác. Vì thế, ta phải biết ăn ở khiêm nhường, từ tốn và biết tôn trọng người khác. Mỗi người chúng ta đều được Chúa tín nhiệm trao cho một nhiệm vụ: người làm cha, kẻ làm mẹ; người làm thầy, kẻ làm trò; người làm chủ, kẻ làm người phục vụ… Chúng ta đã sống tinh thần Chúa dạy không?
Sống Lời Chúa: Tránh thói kiêu căng, tự phụ; nhưng sống khiêm tốn, chân thành phục vụ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, khi nhìn ngắm mẫu gương của Chúa, con nhận thấy mình còn nhiều khuyết điểm. Xin Chúa thương ban cho con ơn canh tân và hoán cải. Amen.