“ANH EM CỨ TIN THÌ SẼ ĐƯỢC…”
I. LỜI CHÚA: Lc 11, 5-13
5 Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh,6 vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”;7 mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.?8 Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
9 “Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.10 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.11 Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó?12 Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp?
13 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? “
II: SUY NIỆM:
Để nói về tương quan giữa Thiên Chúa Cha và chúng ta, đặc biệt là trong cách Ngài làm thỏa mãn lòng ước ao của chúng ta, Đức Giê-su khởi đi từ kinh nghiệm sống của người nghe, là chính chúng ta. Đó là kinh nghiệm về tình bạn và nhất là tình phụ tử. Đây là một Tin Mừng lớn cho chúng ta: tình thương chúng ta dành cho nhau giúp chúng ta hiểu và xác tín về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Có lẽ kinh nghiệm sống của mỗi người chúng ta cho thấy rằng, xin điều gì đó với ai, nhất là với những người thân yêu của chúng ta, thì chúng ta có nhiều cơ may nhận được, hơn là xin điều gì đó với Chúa. Chẳng hạn, chúng ta về gia đình xin mẹ đổ bánh xèo, là mẹ đổ ngay ; có khi không cần xin, chỉ nói thèm ăn thôi ; hơn nữa, mẹ còn hỏi : con có thích ăn gì không, để mẹ làm.
*  *  *
Tuy nhiên trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giê-su nói ngược lại với kinh nghiệm sống của chúng ta : nếu trong tương quan cha con hay mẹ con nơi gia đình, việc xin-cho xẩy ra cách hiển nhiên, chẳng hạn xin « bánh » hay xin « cá », thì trong tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa Cha, việc xin-cho lại càng hiển nhiên hơn, lại càng dễ hơn :
Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? 
(c. 13)
Chúng ta gặp khó khăn trong việc xin Chúa, đó là vì chúng ta xin Chúa « đổ bánh xèo » cho chúng ta. Chúng ta xin những điều này là chúng ta làm khó Chúa rồi, nếu không muốn nói là thử thách Chúa. Bởi lẽ, chúng ta xin Chúa thỏa mãn những nhu cầu của chúng ta ; giống như dân Do Thái trong sa mạc, đòi Chúa cho ăn bánh, ăn thịt… Và như chúng ta đều biết, nhu cầu hưởng thụ của con người, nhất là thời nay, thì vô cùng vô tận : được cái này, thì sẽ thèm cái kia ; được một, thì sẽ đòi hai ; được cái nhỏ, thì sẽ đòi cái lớn… Và nếu chúng ta xin Chúa những thứ này, thì không sớm thì muốn chúng ta sẽ kêu trách Chúa, nghi ngờ tình thương của Chúa và bỏ rơi Chúa, bỏ rơi Chúa ở trong tim, trong nội tâm chúng ta. Bởi vì trong thâm tâm chúng ta hay có tiếng nói này : nếu Chúa không ban, thì con sẽ bỏ Chúa, con đi thờ thần khác, Chúa khác. Chắc chắn, đây là tiếng nói của Con Rắn, của Ma Quỉ.
*  *  *
Nhưng chúng ta sống đâu chỉ bằng thỏa mãn những nhu cầu, chúng ta còn sống bẳng tương quan nữa : yêu thương, cảm thông, chỉa sẻ, gánh vác cho nhau, tha thứ, lắng nghe, liên đới, đón nhận, bao dung… Chúng ta không thể sống, mà thiếu những tương quan này, trong gia đình cũng như trong đời tu. Và đó chính là hoa trái mà Thánh Thần mang lại cho chúng ta, bởi vì Thánh Thần trong yếu tính là tương quan tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, giữa chúng ta với nhau, Người hiệp nhất, nối kết, hòa giải và làm chúng ta nên một, như chúng ta được tạo dựng là một, như Thiên Chúa Ba Ngôi là một. Và về ơn Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su nói :
Phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?
Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Đức Giê-su nói đến « những điều tốt lành », mà Cha trên trời không bao giờ thiếu và luôn sẵn sàng ban cho chúng ta bất cứ lúc nào (x. Mt 7, 7-11). Thật ra, Chúa vẫn ban cho chúng ta mỗi ngày « những điều tốt lành » này, cách dồi dào, dù chúng ta có xin hay không, xứng đáng hay không :
- Đó là rất nhiều ơn huệ của trời đất, và của rất nhiều người, mà lương thực vừa là ơn huệ cụ thể, vừa là biểu tượng của mọi ơn huệ, để làm cho chúng ta sống mỗi ngày.
- Và đặc biệt, đó là Lời Chúa và Mình Chúa, vốn là những lương thực tuyệt hảo nhất, từ đó Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi thành sự sống yêu thương giữa chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Suy niệm:
Một thách đố lớn đối với đức tin của người Kitô hữu 
đó là sự thinh lặng của Thiên Chúa. 
Gặp cơn cùng khốn, con người cầu cứu Ngài 
nhưng không nghe thấy tiếng đáp lại. 
Người lành bị trù dập, kẻ vô tội bị hàm oan, 
nỗi đau khổ thể xác tinh thần vây bọc lấy đời người. 
Con người quằn quại, rên xiết, gào thét, nổi loạn. 
“Chúng tôi tố cáo Thiên Chúa vì Ngài vắng mặt.”Ngài không được quyền vắng mặt và thinh lặng. 
Nếu Ngài là Thiên Chúa quyền năng, 
Ngài phải tiêu diệt sự dữ và kẻ dữ.
Nếu Ngài là Cha yêu thương, 
Ngài không thể quay lưng trước nỗi khổ của con người. 
Có nhiều người đã lý luận như thế và kết luận: 
“Vì có đau khổ, nên không có Thiên Chúa.”
Có lúc người ta tưởng đau khổ là một vấn đề 
có thể đem ra mổ xẻ, giải quyết. 
Nhưng rồi người ta thấy đó là một mầu nhiệm
Chỉ ai tin mới đến gần được mầu nhiệm ấy, 
và đón nhận nó trong bình an.
 Ðức Giêsu đã không trình bày con đường diệt đau khổ, 
nhưng Ngài mang lấy đau khổ vào thân. 
Trên thập giá, Ngài nghe được sự thinh lặng của Thiên Chúa, 
và thấy được sự vắng mặt của Người. 
“Lạy Thiên Chúa của tôi, tại sao Ngài bỏ tôi?” 
Như ta, Ngài cũng bước đi trong bóng tối của lòng tin, 
dù bị thử thách, vẫn một niềm tín thác: 
“Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha.”Thiên Chúa vẫn là Ðấng toàn năng và yêu thương, 
nhưng Ngài hành động không giống điều ta nghĩ. 
Ngài không đưa Ðức Giêsu xuống khỏi thập giá 
nhưng đưa Con của Ngài ra khỏi nấm mồ, 
điều đó khó hơn nhiều.
Hôm nay Ðức Giêsu mời chúng ta cứ xin, cứ tìm, cứ gõ 
và tin chắc sẽ được, sẽ thấy, sẽ mở cho. 
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, 
Ngài chỉ ban cho ta những điều tốt lành, 
những điều có lợi thực sự cho ta, 
những điều làm ta trưởng thành và triển nở, 
những điều đưa ta gặp hạnh phúc đích thực, 
thứ hạnh phúc không chỉ hạn hẹp ở đời này. 
Chúng ta tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu, 
nhưng Ngài không nuông chiều con cái, 
Ngài dám cắt tỉa để chúng ta sai trái hơn.
Bạn hãy cứ cầu xin 
nhưng hãy để cho Ngài định liệu, 
vì Ngài biết rõ điều gì là tốt hơn cho bạn 
trong hoàn cảnh này, ở đây, bây giờ. 
Cần cầu nguyện nhiều, bạn mới biết điều bạn phải xin, 
vì những điều chúng ta xin còn mang nhiều cặn bẩn. 
Lắm khi chúng ta xin rắn mà không hay. 
Cũng có khi ta tưởng Chúa cho chúng ta bọ cạp. 
Cần có đức tin mới nhận ra rằng 
Chúa đã nhận lời mình rồi, 
nhưng theo một kiểu khác với kiểu ta muốn. 
Cần đợi đến một lúc nào đó bạn mới thấy 
mọi biến cố trong đời đều là quà tặng yêu thương.
Cầu nguyện:
Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ
vì những gì Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.