Con người thường có hai thái độ sống đối nghịch nhau. Một bên là những người chỉ biết có việc đạo. Sống dưới đất nhưng lòng trí để cả ở trên trời. Không tha thiết gì với những người chung quanh. Không tham gia những sinh hoạt xã hội. Khinh chê tất cả những giá trị ở đời này. Ngược lại, bên kia là những người sống như chỉ biết có việc đời. Chỉ coi trọng những giá trị vật chất. Chỉ biết có đời này. Sống là còn. Chết là hết. Cả hai thái độ đều bất cập.
Việc Đức Giêsu lên trời và những lời Ngài truyền dạy trước khi từ giã trần gian giúp ta có một cái nhìn đúng đắn hơn đối với trời và đối với đất.
Đức Giêsu lên trời. Điều đó dạy ta biết ngoài cõi đời này còn có một nơi chốn khác. Ngoài cuộc sống này còn có một cuộc sống khác. Ngoài những giá trị đời này còn có những giá trị khác.
Trời là nơi hạnh phúc không còn khổ đau. Trời là nơi cuộc sống vĩnh viễn không bị tiêu diệt. Trời là nơi tất cả mọi giá trị đạt đến mức tuyệt đối. Trời là nơi con người trở thành thần thánh, sống chung với thần thánh.
Như thế trời là niềm hy vọng của con người. Con người không còn bị trói chặt vào trần gian. Định mệnh của con người không phải chỉ là đớn đau sầu khổ. Số phận con người không phải sinh ra để rồi tàn lụi. Trời cho con người một lối thoát. Trời mở ra cho con người một chân trời hạnh phúc. Trời cho con người cơ hội triển nở đến vô biên.
Trời nâng cao địa vị con người. Có trời, con người không còn bị xếp ngang hàng với súc vật. Súc vật sinh ra để tàn lụi. Con người sinh ra để triển nở, để vượt qua số phận, để đạt tới địa vị con Thiên Chúa. Có trời, con người sẽ được nâng lên ngang hàng thần thánh.
Tuy nhiên, trời không phải xây dựng trong mây trong gió, nhưng được xây dựng trong cuộc sống trần gian. Trời không phải là cõi mơ mộng viển vông, nhưng đã bắt đầu ngay trong thực tế cuộc đời hiện tại.
Chính vì thế mà hai thiên thần áo trắng đã bảo các môn đệ đừng đứng nhìn trời mãi làm chi, nhưng phải trở về mà lo chu toàn nhiệm vụ.
Chính vì thế mà trước khi lên trời, Chúa căn dặn các môn đệ hãy đi làm việc cho nước Chúa. Sống và làm việc ở trần gian, đó là một nhiệm vụ phải chu toàn. Hoàn thành nhiệm vụ ở trần gian, đó là điều kiện để đạt tới hạnh phúc nước trời.
Chính Đức Giêsu cũng đã chu toàn nhiệm vụ ở trần gian rồi mới lên trời. Nhiệm vụ đó là đi gieo Tin Mừng khắp nơi. Đi đến đâu là thi ân giáng phúc đến đấy. Đi đến đâu là gieo yêu thương đến đấy.
Hôm nay Chúa cũng sai các môn đệ và chúng ta đi gieo Tin Mừng khắp thế gian. Hãy đi làm mọi việc tốt đẹp cho mọi người.
Làm việc tốt đẹp ở trần gian đó là góp phần xây dựng nước trời. Góp phần xây dựng trần gian đó là dọn chỗ ở trên nước trời. Trần gian không phải là nơi cho ta bám víu vì không vĩnh cửu. Nhưng trần gian là cơ hội cho ta đạt tới nước trời.
Chính vì thế, người môn đệ của Chúa phải sống giữa trần gian, phải yêu mến trần gian, phải xây dựng trần gian. Vì trần gian là nơi Chúa sai ta đến làm việc.
Tuy nhiên người Kitô hữu làm việc ở trần gian mà lòng vẫn hướng lên quê trời. Yêu mến trần gian vì nước trời. Yêu mến trần gian để biến trần gian thành nước trời.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết nỗ lực xây dựng trần gian trong niềm mong đợi hạnh phúc nước trời. Amen.
Gợi ý chia sẻ:
- 1) Tin có thiên đàng. Điều này có quan trọng đối với bạn?
- 2) Người môn đệ của Chúa phải có thái độ nào đối với của cải vật chất?
- 3) Khi ngắm thứ hai mùa mừng, đọc “Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời”, bạn nghĩ gì? Bạn phải sống làm sao để thực hiện lời cầu nguyện này?
ĐTGM. Giuse Ngô quang Kiệt
********************************************************************
CẦU NGUYỆN TRƯỚC NHỮNG LỜI KHÓ HIỂU
Có lời nói rằng: “Khởi đầu của sự khôn ngoan là nhận ra mình chưa hiểu. Bắt đầu của sự dốt nát là cho rằng mình đã hiểu.”
Trong cuộc sống, chúng ta thường phải đối diện với biết bao nhiêu điều khó hiểu hoặc không thể hiểu. Có lúc chúng ta thơ ngay tưởng rằng mình đã hiểu nhưng thật ra mình chưa hiểu chút nào. Thực tế, hằng ngày chúng ta chứng kiến những con người sống đời sống tốt lành nhưng lại bị những người khác hãm hại. Lại có những con người sống đời gian ác nhưng lại giàu có và hưởng thụ. Có lúc chúng ta rơi vào cảnh đau thương, bị tước đoạt hết, ngay cả người mà chúng ta thương yêu nhất cũng ra đi. Chúng ra sẽ làm gì trong những hoàn cảnh đó? Chúng ta đơn sơ xin Chúa hướng dẫn và giải thích những điều chúng ta chưa hiểu; hay là chúng ta trách Chúa, tại sao Chúa để chuyện đó xảy ra; hoặc là nghi ngờ Chúa: Chúa có thật sự tồn tại hay không?
Ý của Thiên Chúa nhiệm mầu và có khi vượt qua sự hiểu biết của chúng ta. Vì thế, chúng ta không hiểu hoặc không thể hiểu là chuyện bình thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta sẽ ứng xử thế nào trước những hoàn cảnh đó. Tin Mừng cho chúng ta hai gương mẫu tốt lành để chúng ta học hỏi, đó là Mẹ Maria và thánh cả Giu-se. Chúng ta nhìn lại gương của hai vị để tìm thấy nơi đó những bài học quý.
Tuy Mẹ và thánh Giu-se luôn sống đời sống thánh thiện, công chính. Thế nhưng, không phải là sống thánh thiện thì không gặp những hoàn cảnh đau khổ. Hoàn cảnh đầu tiên hai vị gặp phải là ngay sau tiếng xin vâng của Mẹ. Thánh Giu-se đã đau khổ, băn khoăn, khó xử khi biết Maria mang thai đã nhiều tháng và không hiểu bào thai đó là do ai. Đức Maria biết Giu-se, người mình yêu, đang phải khắc khoải, đau khổ trong âm thầm nhưng không sao nói được với người yêu bí mật của Thiên Chúa. Maria đã tiếp nhận tất cả, không than thở, dù biết rằng cả hai người đang đau đớn cùng cực. Thánh Giu-se cũng đã muốn chịu đựng, âm thầm bỏ đi nơi khác vì thương Maria.
Đức Maria biết người con mình đang cưu mang là Con của Thiên Chúa, thế nhưng, điều khó hiểu là vì sao người con ấy lại cũng giống nhưng bao trẻ thơ khác: vẫn dựa vào bố mẹ bồng bế chạy trốn như những kẻ chạy trốn khác, vẫn mỏng dòn yếu đuối và cần sự chăm sóc cẩn thận của bố mẹ… Điều đó khiến Maria khó hiểu.
Khi con trẻ lên 12 tuổi, hai ông bà đưa con trẻ lên đền thánh Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua. Trong chuyến đi này, con trẻ Giê-su tự ý ở lại đền thánh mà không cho cha mẹ hay. Hai ông bà không biết con mình ở lại đền thờ. Sau một ngày đường, hai ông bà cất công đi tìm kiếm con mình. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-se-lem. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đã cực lòng tìm con!”. Sự kiện “con ở lại” cả hai ông bà đều không hiểu. Câu trả lời của Chúa như là một câu hỏi ngược lại có thể khiến hai ông bà đau lòng “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà cha con sao?” Trải qua những ngày tháng hốt hoảng đi tìm con, nếu như có một lời xin lỗi của con trẻ sẽ làm ấm lòng cha mẹ biết mấy! Hai ông bà sợ mất con, mất người con mà mình thương yêu. Nhưng quan trọng hơn, nếu như mất con rồi, hai ông bà biết trả lời như thế nào với Thiên Chúa đây. Gặp lại con mình, vui xướng khôn tả. Lời trách móc của Mẹ như một lời thể hiện tình yêu dành con con mình. Thế nhưng, con trẻ Giê-su đã không dừng lại ở tình yêu huyết thống đó, mà lại vươn xa hơn đến trách nhiệm đối với Cha trên trời. Câu trả lời ấy có vẻ như đã gây sốc cho cha mẹ; tuy nhiên, câu trả lời ấy đưa hai vị nhìn đến một tầm cao hơn, một trách nhiệm phổ quát hơn.
Đứng trước câu trả lời của Chúa Giê-su, thánh Giu-se vẫn im lặng. Mẹ cũng thế. Hai ngài ghi nhớ những kỹ niệm này. Và trong cuộc đời của họ, họ hằng suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra. Dần dần, qua sự để tâm suy gẫm, Thiên Chúa sẽ giúp hai ông bà hiểu. Đó là cách thức Thiên Chúa muốn huấn luyện cho hai ông bà biết tiếp nhận và suy gẫm những mầu nhiệm của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày.
Cả cuộc đời của Mẹ và của Thánh Giu-se, không bao giờ có ý nghĩ nghi ngờ Thiên Chúa. Có những điều khiến các ngài khó hiểu hoặc không hiểu nổi, hai ngài ghi nhớ những điều đó, suy đi gẫm lại trong lòng, và xin Chúa giải thích thêm. Hai tiếng “Xin Vâng” đã vang trong tâm trí của Maria và Giu-se, từ đó hai ngài tin rằng Thiên Chúa có lý của Ngài. Suy nghĩ này khiến Maria và Giu-se để những điều kỹ niệm trong lòng, suy đi gẫm lại để khám phá ra tình yêu khôn ngoan của Thiên Chúa.
Thái độ đơn sơ hỏi Chúa và xin giải thích, tiếp nhận và suy gẫm trong lòng đã giúp cho các bên – Đức Maria, Thánh Giu-se, Đức Giê-su được tự do hơn về mặt tình cảm gia đình. Điều này Thiên Chúa muốn huấn luyện cho mỗi người chúng ta. Khi đối diện với biến cố trong cuộc đời, chúng ta cũng cảm thấy khó hiểu. Hãy bắt chước thái độ của Đức Maria và thánh Giu-se: xin Chúa giải thích, đón nhận và suy gẫm trong lòng. Dần dần chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của Lời Chúa, sẽ hiểu được Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì trong cuộc đời của chúng ta.
RADIO VATICAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét