Thứ Năm, 25 tháng 5, 2017

Thương thì Thăm, (Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng, năm A)



Người ta thăm viếng nhau vì quý mến, vì thương yêu, vì tình cảm, chứ chẳng ai ghét nhau mà lại đến thăm nhau. Thăm viếng nhau còn có mục đích là an ủi nhau và giúp đỡ nhau, đặc biệt là đối với các bệnh nhân, người già yếu, người khuyết tật, người gặp hoạn nạn, các thai phụ, ... Nói chung, quá trình đó được bắt đầu từ đức ái: Thương thì Thăm.

Để có thể thăm viếng nhau như vậy, người ta phải có lòng khiêm nhường, như mầu nhiệm thứ hai trong Mùa Vui của Kinh Mân Côi, chúng ta cầu xin: “Đức Mẹ thăm viếng Thánh Isave, xin cho con được lòng khiêm nhường”. Quả thật, đức khiêm nhường rất quan trọng vì đó là nên tảng của mọi nhân đức.

Đức Maria là thôn nữ nghèo, nhưng nhu mì và dễ thương vì luôn sống khiêm nhường, và là thụ tạo đặc biệt được Thiên Chúa tuyển chọn để làm Mẹ Thiên Chúa.

Sứ thần Gáprien truyền tin vui nhưng Nàng Maria lại bối rối. Sứ thần liền trấn an: “Thưa Cô Maria, xin đừng sợ, vì Cô đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1:30). Nghe sứ thần nói mình sẽ làm mẹ, Đức Maria “hoảng hồn”, nhưng sứ thần giải thích: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Cô, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Cô, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35), đồng thời chứng minh một thai phụ mang tiếng là son sẻ mà lại đang mang thai là người chị họ Êlidabét, vì “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37). Thở phào nhẹ nhõm, Đức Mẹ Ô-kê ngay lập tức (Lc 1:38) mà không chút đắn đo. Phúc chồng lên phúc!

Thuở xưa, Thiên Chúa cũng đã động viên các cô gái: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Ítraen hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp 3:14). Tại sao? Lý do còn hơn cả sự tuyệt vời: “Này Sion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời! Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” (Xp 3:16-18a). Cả Cựu Ước và Tân Ước, mệnh lệnh cách “đừng sợ” được nhắc tới nhiều lần để động viên mọi người. Khi chúng ta “không sợ” là bắt đầu có sự can đảm, có can đảm là có sức mạnh, có sức mạnh là có Chúa Thánh Thần. Kỳ diệu quá chừng! Chúa Thánh Thần hoạt động rất tinh vi.

Khi “không sợ” thì người ta có thể làm được nhiều thứ. Một trong các vấn đề nòng cốt là thực hiện đức ái, nhân đức quan trọng trong Kitô giáo. Nhưng Thánh Phaolô cảnh báo: “Lòng bác ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12:9-11). Bác ái có nhiều dạng và nhiều mức độ, cần phải can đảm thực sự mới có thể thực hiện. Không dễ đâu!

Thánh Phaolô giải thích thêm về đức ái: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà. Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa: vui với người vui, khóc với người khóc. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt” (Rm 12:12-17). Nghe có vẻ “dài dòng” một chút, nhưng phải vậy thôi, và đọc kỹ từng chữ, chúng ta sẽ thấy “nhức đầu” đấy, chứ không đơn giản như chúng ta thường nghĩ.

Thánh sử Luca cho biết rằng, sau khi được sứ thần truyền tin, Đức Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, vào nhà Anh Dacaria và chào hỏi Chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Dì Maria chào, đứa con trong bụng nhảy lên, và Chị được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:42-45). Cái PHÚC không đâu xa, mà do mình, nếu thực sự TIN. Tuy nhiên, tin mình được Chúa thương thì không là kiêu ngạo, nhưng tưởng mình được Chúa thương thì lại là kiêu ngạo!

Lúc đó, Đức Maria chúc tụng Thiên Chúa bằng “Bài Ca Ngợi Khen” (Magnificat, Lc 1:45-55) độc đáo:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.

Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.

Thánh Luca cho biết rằng “Dì Maria ở lại với Bác Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1:56).

Khi Đức Maria thụ thai, Chị Êlisabét đã có thai được sáu tháng. Đức Maria ở lại với chị Êlisabét khoảng ba tháng, vị chi là Chị Êlisabét đã đến lúc khai hoa nở nhụy. Trong những ngày cuối thai kỳ, phụ nữ rất cực khổ và mệt mỏi, rất cần sự giúp đỡ của người khác. Lúc này, Đức Maria đã đến tháng thứ ba của thai kỳ, chắc hẳn cũng mệt mỏi, nhưng Đức Maria vẫn giúp đỡ người chị của mình với lòng khiêm nhường và yêu thương chân thành. Đó là bài học vô giá mà Đức Mẹ muốn truyền thụ cho chúng ta về hai chữ T quan trọng trong cuộc sống: Thăm (viếng) và Thương (yêu).

Lạy Thiên Chúa từ ái, chúng con cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con một Người Mẹ tuyệt vời, xin giúp chúng con biết noi gương và yêu mến Mẹ luôn luôn. Xin biến đổi chúng con để mỗi chúng con sớm trở nên khí cụ bình an của Ngài.

Lạy Mẹ nhân lành, chúng con xin tận hiến cuộc đời cho Mẹ, xin thương hướng dẫn và che chở chúng con trong mọi hoàn cảnh, và xin dẫn đưa chúng con về với Chúa. Xin Mẹ đoái thương nước Việt Nam bé nhỏ của chúng con, nhất là trong hoàn cảnh có nguy cơ chiến tranh Biển Đông hiện nay. Xin Mẹ ngăn tay kẻ thù và biến đổi tà tâm thành thiện tâm, xin cho Nước Việt và thế giới được hưởng tự do, công lý và hòa bình đích thực của Thiên Chúa.

Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU




LỢi ÍCH THĂM VIẾNG
Lc 1,39-56
Ngày xưa, khi cuộc sống còn đơn giản, tâm hồn con người còn đơn  và cuộc sống đầy ấp nghĩa tình thì người ta thường hay thăm viếng nhau. Nhưng ngày nay, thời đại mà con người phải chạy đua với thời gian và ai ai cũng cố gắng tranh đấu để có địa vị trong xã hội thì việc thăm viếng nhau dường như giảm đi rất nhiều, thậm chí nơi những thành phố lớn thì việc này dường như biến mất vì người ta ngại tốn thời gian. Việc thăm viếng thời hiện đại được thay thế bằng nhưng phương tiện như điện thoại. Tuy những phương tiện giao tiếp rất hữu ích trong cuộc sống nhưng ai cũng biết chắc chắn nó không thể thay thế được cho việc gặp gỡ, thăm viếng nhau.
Có một phụ nữ sống ở thành phố New York , bà ta có một người láng giềng sống bên cạnh nhà đã ba mươi năm. Nhưng chưa bao giờ hai người có được một cuộc đi chơi thuyền hoàn hảo, đầy thú vị với người bạn hàng xóm vì thời gian họ hẹn nhau đi chơi thường hay thay đổi. Nhưng có một nguyên nhân sâu xa khiến cho hai người láng giềng này chưa cảm thấy gắn bó nhau là họ chưa bao giờ đặt chân đến nhà của nhau. Đây quả là một thiếu sót trầm trọng.
Khi chúng ta muốn đến thăm một người nào đó thì chúng ta tự cảm thấy rằng: mình phải làm một điều gì tốt đẹp cho người mình muốn gặp. Nhưng chính khi chúng ta muốn cho đi như thế không có nghĩa là chúng ta bị thiệt thòi, mất mát.Nhưng trái lại chúng ta cũng nhận được một niềm vui tương tự như khi chúng ta cho đi và cuộc sống chúng ta càng trở nên dồi dào và phong phú hơn. Vì khi thăm viếng, có những lúc chúng ta chứng kiến nhưng mãnh đời đầy bất hạnh và chúng ta biết được lý do: Làm sao những người đó có thể vượt qua hay đối mặt với cuộc sống đầy cam go, thử thách.. Thì chắc chắn lúc đó cho dù bạn đang trong tình trạng chán nãn, thất vọng trước những bất hạnh của đời mình thì bạn cũng sẽ cảm thấy có một tia sáng âm áp đang len lỏi vào sưởi ấm tâm hồn bạn. Bạn hãy mạnh dạn cho đi thì bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc như chính mình được đón nhận. Trong những lần gặp gỡ, thăm viếng đó, chắc chắn bạn sẽ tìm được một động lực, một sự an ủi, một niềm hy vọng và khả năng vượt khó của bạn cũng được tăng thêm mạnh mẽ. Người cho đi thì cũng hạnh phúc như người đón nhận, thậm chí còn hạnh phúc hơn vì: “cho thì có phúc hơn là nhận”. Tự bản chất không có một cuộc cho đi nào một chiều cả.
Chuyện kể, có một vị linh mục đang trông coi một Họ đạo. Một hôm, vị linh mục này đi thăm môt phụ nữ trẻ đang hấp hối vì căn bệnh ung thư. Đầu tiên, trước khi ra đi, vị linh mục này nghĩ rằng mình sẽ mang đến cho người nữ bệnh nhân đang hấp hối một sự an ủi. Nhưng khi cuộc thăm viếng kết thúc, trở về nhà, vị linh mục này cảm thấy rằng, chính ông ta mới thật sự là người được an ủi. Vị linh mục hoàn toàn ngạc nhiên trước niềm tin mạnh mẽ và niềm hy vọng lạc quan của người nữ bệnh nhân trẻ tuổi này trước giờ phút cận kề bên cái chết. Và lòng tin của vị linh mục như được củng cố sâu sắc và trở nên mạnh mẽ nhờ lần tiếp xúc với nữ bệnh nhân trẻ này.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy việc Đức Mẹ vội vã lên đường đến thăm người chị họ là Elisabeth. Chính Đức Mẹ đã có sáng kiến này khi nghe Thiên thần Gabriel báo tin vui là mẹ sẽ được Chúa chọn làm Mẹ Chúa Giêsu. Đương nhiên Đức Mẹ hoàn toàn có thể hưởng niềm vui này một cách âm thầm cho chính Mẹ. Thế nhưng, Đức Mẹ đã vội vã lên đường đi thăm viếng Elisabeth, người chị họ cũng đang chờ đợi một đứa con. Sự viếng thăm của Đức Mẹ như là sự chia sớt niềm vui, niềm hạnh phúc với người chị bà con này.
Elisabeth là người họ hàng với Đức Mẹ. Bổn phận đầu tiên và thánh thiện nhất của chúng ta là phải biết đối xử tốt với người họ hàng mình. Chúng ta đừng tưởng rằng yêu thương người họ hàng là điều dễ dàng. Nhưng thật sự điều này không đơn giản chút nào vì chính những người thân thuộc với ta là những người đòi hỏi nơi ta nhiều hơn ai hết.
Chuyến viếng thăm của Đức Maria đã mang đến cho người chị họ một tặng phẩm vô cùng lớn lao, một sự cho đi hết sức quảng đại. Nhưng khi đó, chính Đức Mẹ cũng nhận được một món quà to lớn từ chuyến viếng thăm này. Món quà đó chính là những lời nói đầy thương yêu khi Elisabeth khẳng định và xác quyết: “phúc cho em là người đã tin rằng những lời Chúa hứa cùng em sẽ được thực hiện”.
Trong hai người phụ nữ thì bao giờ người lớn tuổi cũng có kinh nghiệm nhiều hơn và thật sự Elisabeth đã có thể giúp Đức Mẹ. Và điều cốt yếu ở đây là hai người phụ nữ thông cảm và giúp đỡ nhau khi họ có chung hoàn cảnh. Khi chúng ta cho đi cũng chính là lúc chúng ta đón nhận. Và một trong những cách tốt nhất để giúp chúng ta có thể cho đi chính là việc thăm viếng nhau.
Nhân ngày lễ kính Đức Maria thăm viếng thánh Elisabeth, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta biết quan tâm đến những nhu cầu của anh chị em đồng loại để sẵn sàng, quảng đại mở rộng bàn tay nhân ái giúp đỡ họ như gương Đức Maria và thánh nữ Elisabeth trong Tin Mừng hôm nay. Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét