Và Người Con khi được Cha sai vào trong thế gian,
đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,14)
“Nguời đã đến nhà mình” (Ga 1,11),
Nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.
Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào Danh Người,
thì Người cho họ quyền trở nên Con Thiên Chúa (Ga 1,12).
Họ được Thiên Chúa sinh ra.
Trong gia đình của người dân tộc, các cháu nhỏ thường dậy sớm, gọi mẹ ơi…nấu cơm cho con ăn đi mẹ, con đói lắm rồi.
Con nít vẫn vậy, mở mắt là đòi ăn, nhưng con nít thành phố thường ngủ nướng, mẹ phải gọi năm thì bẩy hiệp mới chịu bò dậy, trừ khi bài chưa thuộc mới lo thức khuya hoặc dậy sớm.
Bé dân tộc dậy sớm vì kiến cứ bò trong bụng, ngủ sao nổi. Cơm chiều qua đủ dằn bụng, giờ tiêu hết lâu rồi.
Một chén cơm, ăn với muối cũng được, miễn sao cầm chân lũ kiến.
Mẹ nào chả thương con, nghe con kêu đói, ngủ sao đành, và thế là cả nhà thức giấc, quây quần bên bếp lửa, thấy thương làm sao !
Khi ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, làm cho Thiên Chúa trở thành Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thì lửa hồng được nhóm lên trong lòng mọi người, để từ đó bếp hồng từ nhà này cháy lan qua nhà kia, con người gọi con người trong tình thương mến.
Người mẹ xót xa khi nghe tiếng khóc đòi bú mớm của đứa con nhỏ dại,
Người cha lam lũ suốt đời vì đàn con thân yêu
Người xót thương người trong cảnh khốn cùng
Yêu mến và xót thương, đó là lời đáp của Thiên Chúa trước tiếng khóc kêu đói của nhân loại ngang qua cung lòng của mỗi con người.
Người xót thương người : có thương mới trao, biết thương mới nhận.
Ngược lại chỉ là đổi trao, làm phước để cầu phước, người nhận phước vì số phận.
Mấy chú giáo phu vừa về học trưa nay đã tranh thủ giờ nghỉ buổi chiều, kéo nhau lội bộ năm cây số tới thăm bạn bị xe đụng đang nằm bệnh viện, người trắng tay thăm người tay trắng, không có gì trao ngoài Danh Thánh Giêsu, nhưng cũng đủ chữa lành thương tích trong lòng và xoa dịu vết thương thể xác.
Có nhiều người tìm Chúa để được ăn no, thích phép lạ chứ ít khi chú ý đến dấu lạ. Con người thời nào chả vậy :”các anh đi tìm tôi không phải vì các anh đã thấy dấu lạ, nhưng vì các anh đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Cuộc gặp gỡ của các chú giáo phu ở đây làm sang lên khuôn mặt và tấm lòng của con cái Thiên Chúa, làm thành dấu lạ công bố tình yêu và lòng thương xót.
Vì ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra (1Ga 4,7).
Cứ mỗi lần có đoàn lên thăm và tặng quà cho bà con trong làng, chúng tôi đều đề nghị cùng nhau ngồi lại trao đổi trước khi vào làng, trao đổi hay dẫn nhau đến với Đức Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể, lắng nghe từng nhịp đập của trái tim người Con Một yêu dấu khi cầm tấm bánh trên đôi tay thánh thiện : Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông, ai nấy đều ăn và được no nê (Mt 14, 19-20) ; Nguời cầm lấy bánh dâng lời tạ ơn (Ga 6,11) ; Người cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ (Lc 24,30). Vâng, món quà người môn đệ đã nhận từ tay của Con Thiên Chúa Ngôi Lời hằng sống cũng phải được trao trong lời kinh ta ơn và chúc tụng, hai tay trao như trao cả tấm lòng, và người nhận : nhận lộc trời và chia sẻ phúc người.
Mỗi khi vào đến làng, trước tiên hết chúng tôi thường dẫn nhau vào nhà nguyện.
Ngôi nhà nguyện vào những năm đầu chỉ là một mái nhà tranh cũng rách nát như bao nhà khác. Nhiều bà vừa bước chân vào đã khóc ròng vì thấy nhà Chúa ở đây sao quá tồi tàn, còn nhà mình thì lại sang trọng. Chúng tôi nhẹ nhàng giải thích cho các bà hiểu rằng : Thiên Chúa muôn đời vẫn là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, và nơi này hơn bất cứ nơi nào, lúc này hơn lúc nào, có thể họa lại đêm thánh Bêlem : “Người đã đến nhà mình”. Ngôi nhà nguyện này để lộ bóng dáng của Thiên Chúa hiện diện và chia sẻ cảnh đời của những con người nơi đây, chia sẻ phận người trong các buôn làng, để các ông bà khi đến đậy, trao cho bà con một tấm áo, chén cơm, chai nước, cũng là trao cho Đấng đang đói khát và trần truồng ngang qua cảnh đời này. Bữa phát quà hôm đó, khó phân biệt được kẻ trao người nhận, tất cả như được nhận chìm vào cung lòng Thiên Chúa, Đấng được xưng tụng là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Thông thường, muốn hay không thì cũng có một khoảng cách giữa người trao kẻ nhận, một thứ hàng rào vô hình : kẻ giầu người nghèo ; dáng vội vã đối lại những khuôn mặt kiên nhẫn chờ đợi ; ân nghĩa được xưng tụng qua những dòng chữ làm phước, từ thiện, quảng đại, hy sinh, người trao được gọi tên là ân nhân trước những con người đang ngửa tay xin bố thí. Thật đáng tiếc khi cố tình bỏ qua lý lẽ muôn đời của cha ông nuôi dậy con cháu mỗi khi gặp người trong cảnh khó khăn thì lấy lá lành đùm lá rách.
Một lần tôi được dịp tháp tùng một nhà sư và một chị phật tử đến nghiệm thu cây cầu treo và trao quà cho bà con. Các vi đáp máy bay từ thành phố lên và phải trở về trong chuyến bay vào buổi tối cùng ngày, chuyến đi vội vã và cuộc gặp gỡ cũng thật đơn giản, hai bên không nói nhiều, thế nhưng trong ánh mắt với những cái nhìn qua lại thì “tình trong như đã…”. Chẳng biết khi thấm nhuần giáo lý nhà Phật định rõ phận người thành kẻ có phước với người bạc phước có dựng lên hàng rào vô hình không, chứ trong trường hơp này thì không thấy có khoảng cách, ngược lại bàn tay của kẻ trao người nhận như muốn nắm chặt với nhau. Người đến âm thầm, nói với nhau với trọn cả tấm chân tình chứ không khách sáo, rồi ra đi vội vã, phút chia tay lưu luyến thấy thương.
Có dịp làm quen với các em trong một vài mái ấm, hơn đâu hết, nơi đây chúng tôi thấu hiểu một chút nỗi lòng người nhận : có em kể rằng cứ mỗi lần có đoàn đến thăm là phải ra xếp hàng, rồi ca múa với những nghi thức mà càng lớn càng thấy ngại, những lúc buồn lòng có em tâm sự : “nếu đủ gan nhịn đói sẽ chẳng đứng xếp hàng”. Anh em chúng tôi đến đó không có gì cho ngoài tấm chân tình, nhưng các em rất vui. Thật vậy, các em cần những món quà vật chất, nhưng điều các em khao khát là tình thương, trong đó các em được xoa dịu, chữa lành và san lấp những cách biệt. Các em rất cần những món quà, nhưng cách trao có thể khơi lên những nỗi đau sâu kín trong lòng, có thể làm cho các em thấy mình thua thiệt bất hạnh. Một em chia sẻ nói rằng rất thèm cái cảnh mẹ đi xa về con cái xúm xít vây quanh, mẹ quê nghèo chỉ có chút quà, nhưng bàn tay mẹ ấm áp…
Thật vậy, mỗi lần chúng tôi đến thăm, các em quay quần nắm tay nhau ca múa thật hồn nhiên và vui tươi, bàn tay nắm bàn tay, cứ như thể có bàn tay mẹ hiền đâu đây, gần gũi và thân thiện.
Nhà thương nay gọi là bệnh viện,
nhà chung với nhà xứ nghe có gì hơi khác,
nhà mụ, rồi nhà phước với tu viện khác nhau chỗ nào,
các bà mụ khi hóa thân thành nữ tu có dễ thương hơn không
và tương tự, những người đi phát quà thì gọi là đoàn từ thiện,
chỉ có chùa vẫn cứ là chùa.
chữ nghĩa không thay đổi công việc, nhưng xác định cung cách người thực hiện.
Quà là tấm lòng của mẹ dành cho con cái,
là món đồ trao cho người tình yêu dấu,
là mối chân tình và thân thiết bạn bè,
chữ quà thấy thương làm sao!
Nỗi lòng người nhận là vậy,
xin hãy trao cho chúng tôi những món quà, chứ đừng trao cho chúng tôi những của làm phúc bố thí,
xin hãy đến với chúng tôi trong tình bạn,
xin hãy đến với chúng tôi trong tình yêu ngàn đời của Thiên Chúa đấng xót thương và lắng tai nghe mọi tiếng kêu cứu của con người.
Thiên Chúa là tình yêu
Chúng ta hãy yêu thương nhau
Vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa (1Ga 4,7)
Thần giữ cửa và người giữ lửa gia đình
Gia đình, Giáo Hội tại gia, là dấu chỉ Hội thánh hiện diện giữa khu phố và thôn xóm, là vùng đất bầy tỏ cho mọi người nhận biết Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là lời công bố hồn nhiên, nhẹ nhàng và nhiệt thành về Nước Thiên Chúa.
Giáo Hội tại gia hay Giáo Hội hoàn vũ thì cũng chung một sứ vụ là ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo (Mc 16,15), làm cho muôn dân trở thành môn đệ (Mt 28,19), ngay giữa lòng cuộc sống bao gồm những lo toan về sinh kế.
Cộng đoàn giáo hội sơ khai có thể coi như khuôn mẫu lý tưởng làm nên những đường nét cho Hội Thánh qua mọi thời đại, và đặc biệt cho Giáo Hội tại gia.
Bởi vì Giáo Hội tại gia luôn bắt đầu với những bước non trẻ.
Vào giai đoạn khởi đầu, số người tin theo Chúa Giêsu từ 3 ngàn, rồi 5 ngàn chỉ tính riêng đàn ông, nghĩa là khoảng hơn chục ngàn sống quây quần bên nhau thì lo ăn cũng thấy mệt rồi (x.Cv 4,4).
Tuy nhiên,
Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo mà chỉ có một lòng một ý, không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng…
nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại…
Trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những ai có ruộng đất nhà cửa đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các tông đồ (Cv 4,32-35).
Thế nhưng để gìn giữ một cộng đoàn mãi tốt đẹp và thánh thiện thì cần có thần giữ cửa và người giữ lửa, vì Xa-tan như sư tử rình mồi sẵn sàng cắn xé đàn chiên (1Pr 5,8).
Và kẽ hở để Xa-tan xâm nhập lại chính lòng dạ con người,
Thần giữ cửa, mà nếu là người giữ cửa thì phải là những người đầy Thánh Thần và đầy lòng tin.
Giữa một cộng đoàn đầy tràn ân sủng là Thánh Thần thì mọi sinh hoạt đều diễn ra trong Thánh Thần :
“Chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5,32).
Trong buổi ban sơ của Hội Thánh, nhóm Mười Hai như thần giữ cửa để Hội Thánh tinh tuyền, không có chỗ cho Xa-tan quấy phá. Chuyện Khanania với Saphira là điển hình, hai người bán một thửa đất, ông đã đồng lòng với vợ giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các tông đồ. Nhưng hành động của hai người đã không qua mặt được Phêrô thần giữ cửa, cứ nhìn cặp mắt láo liên là biết liền, dĩ nhiên với con mắt quen nhìn và quen sống trong sự thật thì cũng dễ nhận ra thói đời gian trá.
Hành động của hai người xem ra không gây thiệt hại về vật chất, nhưng lại nguy hại cho đời sống cộng đoàn, vì “khi đất còn đó, nó chẳng còn là của anh sao, bán đi rồi thì anh chẳng có quyền xử dụng tiền đó sao”,
Anh muốn trao bao nhiêu chẳng được, muốn giữ lại một phần mà lại nói chỉ bấy nhiêu thôi là gian trá rồi,
“sao anh lại để Xa-tan xâm chiếm lòng anh, khiến anh lừa dối Thánh Thần mà giữ lại một phần giá thửa đất …
“anh đã không lừa dối người phàm, mà lừa dối Thiên Chúa”
“sao anh chị lại đồng lòng với nhau để thử thách Thiên Chúa”.
Xa-tan một khi đã xâm chiếm lòng người, nó chặn mất nguồn sinh khí, làm tiêu tan sinh lực : Khanania ngã xuống tắt thở… Thật vậy, người đã bị Xa-tan xâm chiếm cõi lòng, thì như thể cái xác không hồn, dở sống dở chết.
Người giữ cửa đã vạch mặt Xa-tan, không để xâm nhập làm ô nhiễm công đoàn.
Tương tự với Giu Đa : “ma quỉ đã gieo vào lòng Giuđa Iscariot ý định nộp Đức Giêsu…
Và khi anh sẵn sàng hành động : …vừa ăn xong miếng bánh, Xa tan liền nhập vào anh” (x.Ga 13),
kể từ đây, anh bị tội ác trói buộc, tương tự trường hợp thầy phù thuỷ Simon (x.Cv 8,23)
Hội thánh tại gia, các gia đình công giáo hôm nay có thần giữ cửa và người giữ lửa cho gia đình không?
Hay chỉ lo giữ của biến ngôi nhà thành cái kho lạnh lẽo, bề bộn đủ thứ chuyện đời.
Thần giữ cửa cứ sự thường thuộc về người cha,
Người giữ lửa là mẹ,
Khi không còn cha mẹ thì anh chị lớn nắm giữ nhiệm vụ này.
Trên các cánh đồng truyền giáo, nghĩa là nơi các giáo đoàn non trẻ thì người giáo lý viên đứng ra đảm nhận, và dĩ nhiên anh chị cũng phải bắt đầu từ gia đình mình.
Vào một đêm giao thừa, tôi có mặt trong nhà một giáo lý viên, gia đình có bảy người con. Sau khi đã cùng nhau lắng nghe đoạn Lời Chúa công bố tám mối phúc, chúng tôi nhìn nhau và nói cho nhau nghe về ước nguyện của mình trong năm mới, bắt đầu từ chủ gia đình, người giữ cửa. Anh khuyên các con :
“Ba mẹ nuôi dạy các con ăn học không chỉ để các con lo cho tương lai của riêng mình, nhưng trước tiên hết là cho bà con buôn làng, các con cố gắng học hành, rèn luyện bản thân để biết sống với Chúa, sống cho Chúa và cho mọi người. Các con nhìn vào gia đình mình, không khá giả gì, nhưng các con vẫn được ăn học, trong khi cha mẹ tất bật vừa lo làm ăn , vừa lo phục vụ tại nhà thờ và nhà nguyện cũng như mọi việc chung trong cộng đoàn. Dầu vậy, gia đình mình cũng đâu thua kém ai. Mỗi ngày khi vừa thức giấc, nhìn các con ở gần, nghĩ đến các con đang theo học ở xa, ba chỉ có một lời nguyện xin đem đặt từng người chúng con trong tay Chúa. Ước mong các con cũng luôn biết nhìn lên Chúa.
Thế còn người mẹ, người giữ lửa : mẹ sinh các con ra đẹp đẽ, nguyên vẹn, năm nay các con đã làm ba mẹ lo lắng nhiều, anh lớn mấy lần bệnh phải nghỉ học, anh thứ hai thì tai nạn phải nằm viện cả tháng, anh thứ ba đá banh ở trường gãy chân, mẹ ôm nỗi đau của từng đứa con, các con nhớ đi đứng cẩn thận, xơ xẩy một chút thôi là hậu quả khó lường…
Người giữ lửa, đôi tay êm ái, tấm lòng kiên nhẫn, lời nói nhẹ nhàng, đem lại an bình thư thái cho cả nhà.
Tôi hỏi chị vì sao trong những tình huống ruột gan rối bời mà vẫn bình tĩnh : cầu nguyện và cầu ngiuyện, cùng với thần giữ cửa, đem đặt tất cả trong tay Chúa để rồi tin tưởng và phó thác.
Thật khó tưởng tượng một gia đình con cái đông đúc, mỗi người một nơi, mà vẫn an vui : anh lớn đi học mãi tận Dalat, 2 anh trường nội trú huyện, chị gái lớn học ở Saigon, một chị nữa ở với các nữ tu, trong nhà thường xuyên chỉ có 2 chú nhóc đang học cấp 1, cha mẹ thì vừa lo đi lảm rẫy, vừa cùng với bà con dọn dựng ngôi nhà thờ tạm, tối về tập hát ca đoàn, cuộc sống tất bật vị việc riêng lẫn chuyện chung.
Thì ra con cái một khi được tạo dáng suốt quãng đời niên thiếu thì cứ thế lớn lên theo như những gì đã được hun đúc.
Một gia đình thiếu thần giữ cửa, lửa yếu ớt, và ngược lại thiếu lửa thì giữ cửa làm gì, sớm muộn rồi cũng làm mồi cho thú dữ.
Người giữ cửa cần tỉnh thức và biết lắng nghe,
Trong đời sống của cộng đoàn các tín hữu đầu tiên còn kể lại một chuyện đáng buồn nữa:
Hồi ấy, khi số các môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lap kêu trách các tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phối lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên (Cv 6,1).
Xa tan xâm nhập cánh cửa gian dối không xong, giờ nó muốn khoét một lỗ hổng mới gây chia rẽ, bè phái. Người giữ của cứ đứng ngoài canh cửa, có ngờ đâu ngay giữa cộng đoàn có những môn đệ đang đi ngược lại với Tin Mừng tình thương đã lãnh nhận. Nhóm Mười Hai khi nghe biết, đã có hành động cụ thể là triệu tập toàn thể các môn đệ, đề nghị tìm trong cộng đoàn bảy người hội đủ 3 tiêu chuần :
được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, để cắt đặt làm công việc này.
Có thêm Nhóm Bảy góp sức, không còn cảnh bè phái, ghen tị,
…LỜI THIÊN CHÚA VẪN LAN TRÀN…số các môn đệ tăng thêm rất nhiều (Cv 6,7).
Vai trò của người giữ lửa quan trọng biết bao!
Thật vậy, thiếu khôn ngoan thì người giữ lửa trong nhà có thể gây ấn tượng con thương con ghét,
không hành động trong Thánh Thần, cứ nghĩ tự nhiên, nói tự nhiên, cư xử tự nhiên, tự nhiên và lẽ thường tình làm cho người ta dễ hành xử theo cảm tính, để cho thương và ghét cùng chung mảnh đất tâm hồn. Thật mâu thuẫn, vì đã nói thương thì không thể ghét, mà đã nói ghét thì còn thương nỗi gì. Và như vậy người giữ lửa cũng phải là người có tiếng tốt, được con cái yêu thương và kính nể.
Cuộc sống gia đình hôm nay có quá nhiều cửa phải canh giữ,
Những lo toan cũng dễ làm mất lửa
Hội Thánh sơ khai đã bước đi trên hành trình Tin Mừng hoá chính mình và Tin Mừng Hoá thế giới ra sao?
Trong cơn bách hại dữ dội, ngoài các tôn đồ ra, mọi người phải tản mác về các vùng quê…
…những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo Lời Thiên Chúa (Cv 8,1.4),
Trong cảnh thái bình, Hội Thánh được xây dựng vững chắc, và sống trong niềm kính sợ Chúa,
và ngày một thêm đông nhờ Thánh Thần nâng đỡ (Cv 9,11)
Đây cũng chính là bước đường Tin Mừng Hoá…và TÂN TIN MỪNG HOÁ Gia đình, Hội Thánh tại gia, ngang qua mọi thăng trầm cuộc sống.
MM Tân, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét