Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2017

THẮNG TRẬN TRONG BẾP


Người tin Chúa nhiều khi chỉ nghĩ đến những trận chiến tâm linh lớn mà quên rằng chính những trận nhỏ nhoi thường làm cho ta thất bại.

Nguyên tắc sống đắc thắng là ta phải quyết tâm đứng về phía thắng lợi, ta không bằng lòng làm nô lệ cho những thói xấu. Không có tội lỗi nào có đủ sức giữ ta trong vòng kiềm tỏa của nó, vì ta đã thuộc về Chúa. Dù ma quỉ có thể lừa gạt ta bằng cách xui khiến ta nói hay làm những điều bất thiện.

Bà Ba là một người tin Chúa và tăng trưởng rất khá, nhưng bà vẫn gặp khó khăn hay áp lực mạnh, bà thường chửi rủa con cái thậm tệ. Tất nhiên trẻ con đứa nào cũng hay làm ồn, cãi cọ, làm dơ bẩn nhà cửa, đòi được mẹ bồng vân vân... Bà Ba khó chịu nhất là khi nấu ăn trong bếp, vì lúc ấy con cái thường quấy rầy và hay nổi giận nói những lời thô tục. Bà biết thái độ như vậy, giận như vậy là sai lầm và nhiều lần cầu xin Chúa thay đổi tâm tình mình vì bà bất lực.

CHÂN DUNG CỦA BẠN
Một hôm nọ, gia đình bà tổ chức về thăm quê nội. Bà phải lo lắng thu xếp rất nhiều thứ, lại còn phải chuẩn bị thức ăn để lên đường. Chính lúc đó mấy đứa con cãi nhau, thưa kiện, làm hư hỏng đồ đạc. Hai đứa lớn đánh nhau dữ dội. Bà Ba nói sao chúng cũng không nghe. Bà nổi giận, sắp tuôn đổ những lời chửi rủa tục tằn. Nhưng bỗng nhớ lại rằng mình đã quyết tâm không chửi rủa, nên chuyển sang nói những lời nhẹ nhàng, giải thích khuyên bảo con. Sau đó những đứa trẻ không dám đánh nhau và làm ồn nữa.

Bà Ba thấy như mình vừa đánh thắng kẻ thù một trận lớn. Bà thầm tạ ơn Chúa và bắt đầu hát nho nhỏ những bài thánh ca. Tâm hồn bà thật là thư thái. Kể lại kinh nghiệm này, bà Ba nói:

"Tôi đã thắng một trận lớn trong bếp của tôi".

*

Mỗi chúng ta cũng có thể thắng những trận nhỏ ở nhà trường, nơi làm việc, hay ngoài phố chợ. Cuộc đời chiến đấu của chúng ta phải được đánh dấu bằng những trận thắng nho nhỏ như vậy mới mong toàn thắng ma quỉ được.




NẾU NHƯ BẠN MẤT ĐI MỘT CƠ HỘI

Khi cánh cửa hạnh phúc đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra.
Thường bạn sẽ ngắm mãi cánh cửa đóng lại để rồi không thấy cánh cửa đang mở ra.

Chúc bạn nhận ra cánh cửa của mình.



Nếu vô tình đánh mất một cơ hội nào đó, ắt hẳn bạn sẽ tiếc ngẩn ngơ và tự trách mình: “Nếu tôi…, thì tôi đã tốt hơn bây giờ rất nhiều”.
Không hẳn bạn ạ, khi bạn lỡ đánh mất cơ hội, có khi kì tích sẽ xuất hiện…


1. 8 tuổi, tôi tình cờ thấy một xấp tiền toàn giấy 50 ngàn mới cáu ở bên vệ đường, gần tiệm tạp hóa nhỏ. Khi ấy tôi còn quá nhỏ nên không thể phản ứng nhanh, chỉ ngồi xuống xem xét, vẻ mặt đầy bất ngờ. Khi tôi đang định mang xấp tiền đến đồn công an gần nhà thì một người chạy lại bảo: “Tiền của chú đánh rơi đó con ạ!”. Tôi tin hoàn toàn. Khi đã đi xa, tôi mới phát hiện ra rằng, đó chỉ là một người nhận vơ.


Chuyện này khiến tôi day dứt mãi đến tận năm 15 tuổi. Tôi luôn tiếc hùi hụi: “Nếu lúc ấy mình giả vờ như đó là tiền của mình thì đã có thể mua được đủ thứ món”. Tôi tự khước từ một cơ hội “có nhiều tiền”. Vì đó là một xấp tiền bên vệ đường, nào biết của ai mà trả?

2. Năm 17 tuổi, tôi thích một chàng trai đã được 3 năm. Tôi và cậu ấy là bạn thân. Tôi không dám nói vì sợ mất tình bạn. Ngày tôi chuẩn bị tỏ tình, cậu ấy chính thức quen người khác. Mãi về sau tôi mới biết, cậu ấy thích tôi trước, nhưng sợ tôi khước từ nên muốn làm bạn thân. Dần dà cậu ấy cũng không còn tình cảm đặc biệt với tôi. Tôi đã khóc hết nước mắt vì điều này. Tôi thật ngốc.

3. Năm 20 tuổi, tôi phải tiễn người thân sang nước ngoài định cư. Khi ấy ba mẹ bảo tôi đi tiễn, nhưng vì tôi sợ cảm giác chia xa nên cố tình không đi, chỉ hỏi thăm qua điện thoại. Máy bay cất cánh, tôi được chị kể lại: “Hôm đó cô chú đều cho mỗi đứa một khoản tiền tiêu vặt khá lớn, nhưng vì em không đi nên không được nhận”. Tôi ngẩn người. Số tiền đó đủ cho tôi đóng 2 năm học phí đại học, đủ để tôi mua sắm thỏa thích, đủ để tôi nghỉ đi làm thêm để học bài. Đi làm giữa trời mưa gió, đứng chen chúc trên xe buýt đông nghịt người, nghĩ đến khoản tiền vài triệu kia, tôi bật khóc vì tủi thân. Tại sao khi ấy tôi lại không đi?
Hẳn bạn cũng đang tiếc cho tôi, đúng không?
Nhưng hãy xem tiếp kết quả sau đó của 3 việc trên

*

8 tuổi, tôi đã biết quý trọng đồng tiền và luôn thực hiện đúng những điều được học ở môn đạo đức. Tôi tình cờ phát hiện một chiếc ví nữa, trong đó có tiền, nhưng đã nhờ ba mẹ giao cho người bị mất sau khi đấu tranh nội tâm. Người ấy khen tôi hết lời, thậm chí còn tài trợ học phí cho tôi. Chính nhờ những lần học thêm từ món “học bổng tình cờ”, tôi giỏi Văn lên hẳn. Chính môn Văn đã giúp tôi đậu đại học sau này. Còn người đàn ông nhặt một xấp tiền lớn, bây giờ làm nghề xe ôm gần nhà tôi. Sau khi nhặt được xấp tiền ấy, chú ấy đã đánh bạc thua hết, thậm chí còn phải vay thêm tiền trả nợ, gần như mất tất cả.

Năm 17 tuổi, khi đang khóc hết nước mắt. Một tên con trai chạy lại chọc tôi. Hắn đẹp trai nhưng nghịch ngợm. Đang đau khổ mà lại bị chọc tức, tôi òa khóc và ghét hắn vô cùng. Từ đó tôi xem hắn như “kẻ thù”. Nhưng hiện tại, “kẻ thù” đó lại chính là…một nửa của tôi. Chúng tôi quen nhau đến tận bây giờ. Tôi luôn mỉm cười, nếu ngày ấy tôi không đau lòng vì con tim tan vỡ, thì giờ đây sao tôi tìm được người yêu tôi hết lòng?

20 tuổi, tôi tiếc món tiền vài triệu nên tự nhủ lòng mình: “Phải tự lực tìm được món tiền tương tự như thế trong 3 tháng”. 1 tháng trôi qua, tôi chưa nghĩ ra được gì hay ho. 2 tháng trôi qua, tôi kiếm được 500 ngàn. Tháng thứ 3, trong một buổi tối tuyệt vọng, tôi thức trắng đêm online và có một kế hoạch kinh doanh hoành tráng. Và bây giờ, tôi không cần phải nhọc công nhiều, nhưng mỗi tháng vẫn kiếm được tiền tiêu vặt đều đặn và có một số dư đáng kể – điều mà không phải sinh viên nào cũng có.

Tôi chợt nghĩ, giá mà mất thêm nhiều cơ hội nữa thì cũng thật thú vị nhỉ?



Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét