Mùa đông năm ấy, nơi chuồng súc vật hôi tanh, giữa tiết trời lạnh lẽo, Con Thiên Chúa được Mẹ sinh vào kiếp người. Mẹ ẵm Hài Nhi trên tay mà lòng chứa chan hạnh phúc, hạnh phúc của một tỳ nữ được diện kiến dung nhan của Chúa mình, hạnh phúc của một thụ tạo được giáp mặt Tạo Hóa của mình và hạnh phúc của một người mẹ bên cạnh đứa con mình vừa mới sinh ra. Cái cảm giác được làm mẹ thật không sao tả nỗi! Cái cảm giác được là mẹ của Chúa mới nhiệm mầu và thâm thúy xiết bao.
Thế nhưng, vui chưa được bao lâu thì sóng gió cuộc đời ập đến. Vì sự ganh ghét của con người, cả gia đình Mẹ cũng không được hưởng một giấc ngủ ngon. Ngay giữa đêm khuya giá lạnh, Mẹ và thánh Giuse phải bồng Con trốn sang Aicập, sống tha hương như những người đi tị nạn. Lời mời gọi mà Chúa dành cho Mẹ dạo trước, tuy có nói đến sự vinh quang nhưng chắc Mẹ cũng cảm nghiệm được đó là loại vinh quang gì rồi: một vinh quang của thập giá. Từ khi Con của Mẹ thi hành sứ vụ công khai, ra đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho đến khi chết trên thánh giá, Mẹ đã đón nhận biết bao những nỗi buồn khó diễn tả. Nhưng trong mọi nghịch cảnh, Mẹ luôn một lòng trung thành và yêu mến Thiên Chúa. Qua những tôi luyện ấy, Mẹ đã kết hiệp trọn vẹn với Con của mình, Mẹ trở thành mẫu gương đức tin cho chúng con và Mẹ cũng trở thành mẹ của mọi tín hữu. Giáo Hội không ngừng ca mừng Thiên Chúa vì đã ban cho thế trần người Mẹ tuyệt vời.
Chúng con hạnh phúc khi nghe Mẹ thưa tiếng “xin vâng”. Năm xưa, sứ thần nói với Mẹ rằng: “Này đây Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai…” Mẹ ngỡ ngàng với sứ điệp này, Mẹ không hiểu vì sao chuyện ấy có thể xảy ra được. Làm mẹ Thiên Chúa quả là vượt sức đối với mọi loài thọ tạo như Mẹ. Lúc ấy, hẳn là Mẹ có thể từ chối! Nhưng với lòng tin yêu, Mẹ đã xin vâng để chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã khởi sự từ xưa được đi đến thành toàn. Mẹ xin vâng vì Mẹ hiểu rằng Thiên Chúa sẽ làm nơi Mẹ những điều kỳ diệu. Tình Mẫu Tử giữa Mẹ và Giêsu là nhịp cầu nối kết đất trời, nối con người với Thiên Chúa, vì tình mẫu tử ấy là một mối tình keo sơn không thể cắt đứt của một thụ tạo với một Thiên Chúa, của một vật hèn với một Thần Linh, giữa loài hữu hạn với Đấng Vô Hạn siêu vượt muôn trùng. Càng nghĩ về huyện nhiệm này, con càng cảm thấy vai trò của Mẹ thật to lớn, thấy vinh phúc mà Chúa ban cho Mẹ thật cao cả khôn lường.
Mẹ ơi, phía sau bất cứ người con nào cũng luôn có hình bóng của người mẹ. Đức Giêsu đã được Mẹ dưỡng nuôi ân cần cho tới ngày Người trao Mẹ cho thánh Gioan trên đỉnh đồi Canvê. Cả cuộc đời, Mẹ là bóng mát dịu hiền cho Giêsu chạy đến hàn huyên tâm sự. Hơn nữa, theo lời hứa cứu độ, Con Thiên Chúa xuống thế làm người để chung chia cuộc sống con người và đưa nhân loại thoát cảnh trầm luân muôn kiếp. Vì lẽ đó, Thiên Chúa cần một cung lòng xứng hợp cho Con Ngài ngự vào. Người ta nhận ra bàn tay chăm sóc của Mẹ khi thấy “Đức Giêsu càng lớn càng thêm khôn ngoan và nhân đức, đẹp lòng Thiên Chúa và mọi người”. Hôm nay, Mẹ vẫn là “bóng mát che đầu” để đoàn con về nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Bởi qua Mẹ, con thấy mình dễ tỏ bày tâm tình với Thiên Chúa hơn. Cùng với Mẹ, con có thể tán dương Thiên Chúa và đón nhận sức mạnh thần linh để bước theo Giêsu từng ngày.
Chiêm ngắm hành trình Mẹ bước theo Giêsu, con như được thêm sức, được trợ giúp để yêu mến thập giá đời mình. Mẹ đã không rời Giêsu, Mẹ chỉ muốn chia sẻ nỗi đau mà Giêsu chịu đựng vì tội lỗi con người. Có mẫu gương của Mẹ và có sự nâng đỡ của Mẹ, con bớt kêu trách sức nặng thập giá cuộc đời mình hơn. Khi bắt chước Mẹ tập yêu thập giá, con được Thiên Chúa cho nghỉ ngơi bồi dưỡng, để được hưởng phúc đời đời, vì Ngài đã hứa: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng“.
Mẹ ơi, xin hãy giúp con từ bỏ tội lỗi, xa tránh thói hư tật xấu và giữ một lòng chung thủy với Đấng Tối Cao. Xin Mẹ vực dậy những tâm hồn xa cách Chúa, những con người đoạn tuyệt với anh em. Xin dâng lên Mẹ Thiên Chúa ước nguyện: chúng con được thuộc trọn và hết lòng yêu mến Chúa, ân cần với tha nhân và dám đón nhận thánh giá đời mình. Xin Mẹ tiếp tục cầu bầu với Con Chí Ái của Mẹ cho chúng con đang còn lữ hành dưới thế, biết nhờ Mẹ mà chạy đến gần Chúa Giêsu.
Con kính chào và mừng lễ Mẹ Thiên Chúa,
Bạn tìm thấy gì nơi Đấng Phục Sinh?
Có những lúc tôi vẫn thường đặt câu hỏi: Đấng Phục Sinh đã mang lại điều gì cho tôi để tôi tin Ngài? Có lẽ tất cả chúng ta đều nằm lòng với những bài giáo lý dạy rằng: Ngài ban cho tôi sự sống; Ngài xua trừ sự dữ, ma quỷ, tội lỗi cho nhân loại; Ngài lập nên các bí tích để chúng ta được thông chia ân sủng của Ngài… Thế nhưng, trước khi được biết đến những lời dạy bảo ấy thì sự sống đã hình thành nơi tôi rồi còn gì! Thế gian vẫn đầy dẫy những âm mưu của ma quỷ và tà thần đó thôi! Những người vô thần chẳng cần biết gì đến Thiên Chúa vẫn phú túc, giàu sang đó thôi! Có phải chăng đức tin của chúng ta là cái gì đó mù mờ, tối tăm; là sự dễ dãi, vâng phục? Nếu đức tin là như thế thì chắc chắn chúng ta sẽ không bao giờ được chứng kiến sự hoạt động của Thiên Chúa nơi những bậc thánh nhân, những tổ tiên của chúng ta, là những con người đã sống chết với đức tin của họ, để rồi Thiên Chúa cho họ được vinh hiển trên thiên quốc; chúng ta sẽ không được Thiên Chúa ban cho những vũ khí đắc lực để chiến đấu chống lại sự dữ và ma quỷ: Cầu nguyện, tha thứ, thương xót…; chúng ta chắc chắn sẽ bình an và hạnh phúc hơn những người vô thần, vì cuộc sống của chúng ta không phải là sự lệ thuộc hoàn toàn vào sự giàu có ở trần gian này, mà là quê trời mai sau.
Cứ mỗi mùa phục sinh, tôi thường khám phá ra một cái gì đó thật mới mẻ mà Đấng Phục Sinh trao ban cho tôi. Năm nay, tôi được trao ban một cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa qua chính biến cố phục sinh. Có lẽ ai trong chúng ta cũng hiểu và nhận ra rằng vì thương xót chúng ta, là những con người tội lỗi; mà Đức Kitô đã phải hạ mình chịu chết, chuộc tội cho chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở đó, mà còn thể hiện mạnh mẽ hơn sau biến cố phục sinh của Ngài. Bất cứ một vị vua nào ở trần gian này cũng đều cố gắng gầy dựng một quyền lực vững chắc cho mình. Để làm được điều ấy; vua thường tiêu diệt tất cả những ai phản loạn, chống lại quyền bính của vua. Nước của vua chỉ còn sự tồn tại của những thần dân một lòng với vua mà thôi. Đức Kitô sau khi phục sinh, vương quyền Ngài đã được khôi phục; Ngài không ra tay chu diệt những kẻ đã chống lại Ngài. Trái lại, với lòng thương xót vô biên, Ngài đã mời gọi họ quay trở về. Ngài đã dùng đến tất cả sự yếu hèn của con người để làm nên những công cụ cho việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng. Nếu bạn hỏi tôi rằng: Tôi đã nhận được điều gì từ Đấng Phục Sinh? Tôi xin thưa: Tôi đã nhận được sự kiên nhẫn chờ đợi của Ngài.
Chỉ một lời Thiên Chúa phán, vũ trụ vạn vật được hình thành. Chỉ một làn hơi của Ngài, con người được dựng nên. Ngài có khó gì đâu để dẹp tan phường gian ác chỉ trong tích tắc, hay tiêu hủy cả vũ trụ này chỉ trong vài giây. Thiên Chúa đã không làm như thế! Đấng Phục Sinh đã kiên nhẫn trao ban cho chúng ta sự sống mới từ sự sống đã bị hư mất bởi Nguyên Tổ, làm cho chúng ta được nên tinh sạch từ sự vấy bẩn tội lỗi của tâm hồn, ghi khắc vào lòng chúng ta tình yêu của Ngài từ sự chai đá của cõi lòng khép kín, dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh hằng từ cái chết của thân xác phàm nhân. Sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đã khai mở cho nhân loại chúng ta nguồn sống vĩnh cửu, nơi mà chúng ta được hạnh phúc cùng Ngài.
Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa đã đưa tôi đến gặp Ngài. Tôi thấy Ngài hiện diện nơi những đau thương của khủng bố, chiến tranh; Ngài vẫn chờ đợi sự thay đổi của những kẻ nhẫn tâm. Tôi thấy Ngài hiện diện nơi đau khổ của những người tha hương; Ngài vẫn chờ đợi các nhà cầm quyền mở rộng vòng tay. Tôi thấy Ngài hiện diện nơi lầm than, đói rách của những kẻ bần cùng; Ngài chờ đợi từng người chúng ta sự san sẻ và hiệp thông. Tôi thấy Ngài hiện diện ở khắp mọi nơi, để mời gọi chúng ta cùng với Ngài lan tỏa tình thương xót.
Mùa phục sinh mời gọi chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Hơn thế nữa, chúng ta còn tuyên xưng mạnh mẽ lòng thương xót của Đấng Phục Sinh được thể hiện nơi từng người chúng ta qua sự kiên nhẫn của Ngài. Xin Đấng Phục Sinh giúp chúng ta cũng biết thực thi nhân đức ấy khi đến với tha nhân; nhất là đối với những ai đang làm chúng ta đau khổ, buồn phiền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét