GIA ÐÌNH, TRƯỜNG DẠYYÊU THƯƠNG
Hội Thánh mừng lễ Thánh Gia như là gương mẫu của các gia đình Công Giáo. Thú thật, tôi thấy Hội Thánh hơi bạo gan khi đưa Chúa Giêsu, thánh Maria và thánh Giuse như một mẫu mực vì Thánh Gia không phải như những gia đình khác. Ðức Giêsu là con người nhưng cũng là ConThiên Chúa. Ðức Maria thụ thai Con Thiên Chúa không bởi ý muốn của nam nhân nhưng do tác động của Thánh Thần nên cứ giữ mình trinh khiết đến mãn đời vợ chồng. Còn Ðức Giuse thì thật là anh hùng khi đón nhận một thai nhi mà mình không phải là tác giả, cưới vợ mà như không cưới. Thế thì còn gì là hấp dẫn của đời sống lứa đôi, và nếu cứ phải theo gương Thánh Gia sống như vậy thì thà ở vậy còn thích hơn. Có chăng chỉ là để tôn thờ Thánh Gia, chứ chẳng phải để bắt chước mà sống như vậy đâu !
Tuy nhiên, Thánh Gia vẫn là một gia đình đích thực, và mọi thành phần trong gia đình ấy đều tìm thấy hạnh phúc. Bí quyết nào đã giúp các ngài tìm thấy hạnh phúc nếu không phải là tình yêu. Chính vì yêu mến mà Maria và Giuse đã tiến tới hôn nhân dù khó khăn và thử thách không phải là ít. Chính trong môi truờng gia đình mà hai ngài đã học cách yêu thương nhau, và đã làm cho tình yêu ấy thực sự đơm bông kết trái. Vì thế tôi muốn chia sẻ với quý anh chị là những gia đình trẻ về đề tài: "Gia đình là trường học dạy yêu thương".
Nếu nói gia đình là trường học thì không hẳn cha mẹ là thầy cô, còn con cái là học trò. Cha mẹ vừa là người thầy, vừa là môn sinh, đặc biệt trong môn học về tình yêu. Bởi lẽ sống là yêu và yêu là cả một nghệ thuật cần được học hỏi và trau dồi suốt đời.
1) Học ăn học nói học gói học mở, và học cả chữ yêu:
Chữ nhân theo kiểu chữ Hán Việt là nét vẽ một người đang dang tay dang chân, nghĩa là một con người hoạt động, con người đang làm việc. Như vậy, con người không phải là cái đã làm sẵn, đã thành toàn, nhưng là cái phải làm nữa thì mới thành: thành nhân, phải cố gắng nữa thì mới nên người: có chí thì nên. Hoạt động để thành công, nhưng thành công cũng chưa phải là quan trọng: không thành công thì cũng thành nhân.
Từ lúc chào đời đến lúc từ biệt cõi đời, chúng ta giống như người tạc tượng, phải không ngừng đục đẽo mình cho ra hình dáng con người, bởi vì chúng ta sinh ra không phải tự nhiên đã thành nhân, việc thành nhân hay nên người là việc mỗi người phải tự mình làm lấy, người khác chỉ có thể hướng dẫn hay chỉ cách mà thôi. Ngày sinh nhật hay ngày kết hôn cũng mới chỉ là bản phác thảo, mỗi ngày chúng ta còn phải vẽ đi uốn lại cuộc đời mình. Ngày chết cũng vẫn còn dang dở, và Thiên Chúa sẽ hoàn tất cái dang dở này để chúng ta không còn điểm gì khác Chúa nữa.
Yêu không phải là một vấn đề thuần tuý bản năng, giống như mọi thú vật khác. Ai trong chúng ta cũng biết rằng một hành động thuần tuý là bản năng chưa phải là tình yêu, vì chúng ta không thể đồng hoá tình yêu với tính dục. Vấn đề không phải chỉ là đạt được khoái cảm, song còn là trao ban và chuyển đạt tình yêu cho nhau.
Có một tác giả nói rằng con người thời nay thích học bay như chim trời khi chế tạo được máy bay phản lực, mải mê bơi lặn như cá dưới nước khi chế tạo ra tầu thuỷ tầu ngầm, song chẳng mấy người chịu học bài học cơ bản là học chung sống với mọi người chung quanh mình.
Gia đình là trường học đầu tiên về yêu thương, và nếu gia đình tan vỡ thì biết tìm học ở đâu bài học cơ bản ấy. Bài học vỡ lòng về yêu thương không những khởi đầu trong gia đình mà còn lập lại trong suốt cuộc đời. Yêu thương là một khởi đầu không bao giờ kết thúc vì tình yêu luôn là một cuộc tái sinh. Tình yêu không bao giờ chấp nhận cũ kỹ hao mòn, vì thế luôn luôn phải đổi mới. Ðổi mới bằng cách nào nếu không phải là quên mình để sống cho người mình yêu thương. Bởi lẽ tình yêu như dòng nước chảy, luôn luôn tuôn trào, không bao giờ giữ lại. Nếu dòng sông giữ lại nước thì dòng sông đã biến thành ao tù nước đọng, và ô nhiễm là chuyện không thể tránh khỏi.
Nhà văn hào Pháp, Victor Hugo, đã nói một câu mới nghe có vẻ khó chấp nhận: "Người ta không lấy nhau vì yêu nhau, mà lấy nhau để học yêu nhau". Song những ai đã bước vào đời sống hôn nhân thì không thể phủ nhận thực tế đó. Ngày cưới cũng mới chỉ là ngày khai giảng của trường học yêu thương, và bài học cơ bản là học sống với người khác. Khởi điểm của tình yêu có thể là những tương đồng vì đôi bạn có nhiều điểm giống nhau, nhưng khi đã chung sống thì những tương đồng cứ biến dần nhường chỗ cho những khác biệt và xung khắc.
Có người bi quan nòi rằng:
"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
đời mất vui khi đã vẹn câu thề".
Hai câu thơ trên của Hồ Dzếnh còn được chế thêm rằng:
"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
lấy nhau về nham nhở lắm em ơi!".
Song mấy bà cũng không vừa:
"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở,
lấy nhau về em tắt thở, anh ơi!".
Nếu thế, hôn nhân là mồ chôn của tình yêu. Người ta cưới nhau không phải là chỉ cưới một khuôn mặt đẹp, một nụ cười duyên, một mái tóc óng ả, hay một sở thích tương đồng nhưng là cưới cả một con người, mà người nào chả có cái tốt cái xấu, cái được cái không được, cái dễ ưa và cái khó ưa. Có chấp nhận nhau thì hôn nhân mới là môi sinh của tình yêu.
2) Học yêu là học cho đến cùng chữ yêu:
Học để yêu là bài học không bao giờ dừng lại với thời gian, cho dù đã là vợ chồng của nhau, bởi lẽ mỗi người vẫn luôn là một huyền nhiệm thâm sâu, một huyền nhiệm không dễ dàng lý giải mà chỉ có sự hiểu biết của con tim tấm lòng mới hy vọng đạt thấu.
Sam Levenson nói: "Ngó một cái mà thương liền là còn dễ. Ngó mặt nhau cả đời mà vẫn còn yêu nhau mới là khó. Nó cả là một phép lạ". Vì thế, có người cho rằng "tìm hiểu nhau ba tuần, yêu nhau ba tháng, cãi nhau ba năm, nhưng sẽ phải tha thứ cho nhau ba mươi năm"...
Tình yêu là chết đi đối với chính mình, là nộp mình như Chúa Giêsu đã hy sinh tính mạng vì người mình yêu thương. Yêu người là muốn người đó được sống và sống dồi dào, chứ không phải là lấn lướt để người đó thua kém đi. Sức mạnh của tình yêu là như thế đó ! Làm tất cả những gì có thể làm, song không bao giờ ép buộc người mình yêu. Như vậy, phải mạnh mẽ lắm mới có thể quên mình, để tha thứ. Có thể gọi sự toàn năng của tình yêu là sự tha thứ; và Thiên Chúa chính là nguyên mẫu vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8). Hordelin, một thi sĩ người Ðức, đã nói: "Thiên Chúa giáng sinh làm người giống như biển cả làm nên đất liền bằng cách rút lại". Ðại dương thật mênh mông, muốn có đại lục thì chỉ còn cách là biển cả phải thu hẹp, nhường chỗ cho đất liền nhô lên khỏi biển. Thiên Chúa giáng sinh làm người là Thiên Chúa không cứ giữ cho mình chức vị đồng hàng với Chúa Cha, song đã tự huỷ mình ra không để trở nên giống phàm nhân (Philíp 2,6-7), và chấp nhận để cho con người tuỳ nghi sử dụng, đến nỗi không có chỗ cho Ngài trong quán trọ (lc 2,7), thậm chí còn bi đát đến nỗi Ngài đến nhà của mình mà người nhà lại không tiếp nhận (Ga 1,11).
Hôn nhân làm cho vợ trở thành nha của chồng, và chồng là nhà của vợ, nên người ta hay gọi là nhà tôi. Thế mà khi cả hai đã nên một trong thân xác, người ta lại thích lui tới nhà khác chứ không phải là nhà tôi. Có người chia sẻ với tôi: "Thưa cha, mỗi khi con ra khỏi nhà là chỉ muốn đi luôn, nếu không nghĩ tới con cái thì con đã không trở về nhà, dù đó là nhà của mình". Tại sao vậy? Chỉ vì căn nhà ấy không còn chỗ cho tình yêu; chỉ vì sự tha thứ không còn chỗ trong quán trọ nên đã phải lang thang ngoài đồng vắng nơi những hang bò lừa qua đêm.
Các bạn cứ nhìn vào Thánh Gia mà coi xem ngôi nhà của các ngài là gì? Dù không có nhà cao cửa rộng, giường ấm nệm êm, song gia đình Nagiarét không phải là quán vắng tình yêu. Maria đang lúc ở cữ lại phải rời bỏ căn nhà Nagiarét để lên đường vì lệnh kiểm tra dân số. Mới qua được những cơn gió lạnh ngoài hang bò lừa để tìm được một chỗ trú thân thì lại phải bỏ đi Ai Cập vì sự an toàn của hài nhi Giêsu. Mới kiếm được một công ăn việc làm nơi đất khách quê người, thế mà lại phải trở về Nagiarét để làm lại từ đầu. Vậy thì nha của các ngài là gì, nếu không phải là tâm hồn của nhau. Chỉ có ngôi nhà tình yêu ấy mới không bị đóng khung bởi bốn bức tường, mới không bị lún sập khi biển đời dồn dập sóng vỗ. Trong xây dựng, người ta hay nói tới bê-tông vĩnh cửu, tôi xin đính chính ngay: không có bê-tông vĩnh cữu cho căn nhà của tình yêu, vì với thời gian, sự dãn nở của sắt ích kỷ cũng có thể phá vỡ bê-tông khi thời tiết thay đổi. Bởi đó, tình yêu con người không bao giờ là tình yêu một mùa, dù là mùa Xuân. "Bốn mùa thay lá thay hoa, thay mãi đời ta"; và dù lá mùa Thu có rơi rụng giữa mùa Ðông thì cũng đừng tuyệt vọng, tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Và điều đó chỉ xảy ra khi nào vợ chồng có thể nói với nhau: "Em là tôi, và tôi cũng là em" (Tôi ơi đừng tuyệt vọng, TCS), nghĩa là cuối cùng của tình yêu là tha thứ.
* * *
Ngày lễ Thánh Gia được gọi là ngày lễ của gia đình, hoặc ngày 14 tháng Hai hàng năm được chọn là ngày của tình yêu, song có phải mỗi năm chỉ có một hoặc hai ngày để yêu nhau không? Có ngày nào không phải yêu thương nhau? Có giây phút nào không phải là giây phút của tình yêu? Có chăng ngày lễ chỉ cốt để nhắc nhớ đôi bạn: sống là yêu, và yêu là phải quên mình để sống cho người mình yêu, và quên mình thì đồng nghĩa với từ bỏ và hy sinh, với việc vác thập giá mình mà sánh bước bên nhau đi về một hướng. Hướng đó là Thiên Chúa Tình Yêu.
Có người nói rằng cái tôi là cái đáng ghét. Tại sao vậy? Rất đơn giản: nếu bạn để cho cán cân hôn nhân nặng về cái tôi, thì bạn cứ thử đánh vần coi: tôi nặng... tội. Tuy nhiên, nếu bạn nhường chỗ cho Thiên Chúa thì hôn nhân và gia đình luôn là điều thiện hảo tốt đẹp vì khi đó: Thiên nặng ... thiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét