"Bỏ Cha Mẹ Gắn Bó Với Vợ"'?
Thân phận của một người con gái lớn lấy chồng, theo Khổng Giáo, là "xuất giá tòng phu", tức là, theo ngôn ngữ bình dân Việt Nam, "lấy chồng thì phải theo chồng". Văn hóa này dường như cũng là văn hóa chung, là đường lối chung của nhân loại, chỉ trừ ở một vài nơi còn theo chế độ mẫu hệ, như nhóm người Thượng ở Di Linh Việt Nam chẳng hạn, còn "đi bắt chồng" và chồng phải về ở với vợ. Tục lệ Do Thái cũng chủ trương "lấy chồng thì phải theo chồng" như văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn trường hợp của Tôbia con đi lấy vợ và dẫn vợ về với mình (xem Tobia 9:7-14), hay trường hợp của Thánh Giuse và Mẹ Maria, như Phúc Âm thánh Luca thuật lại, sau khi Thánh Giuse được thiên thần cho biết việc Mẹ Maria thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, thì "ngài đã làm như thiên thần Chúa chỉ dẫn và lãnh nhận Mẹ về nhà làm bạn mình" (1:24).
Thế mà, theo Sách Khởi Nguyên, ngay từ ban đầu, sau khi con người được dựng nên có nam có nữ, và sau khi con người nhận ra xương thịt của mình nơi đồng bạn xứng hợp với mình, thì Thánh Kinh mạc khải cho biết: "Ðó là lý do tại sao người nam lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình" (Gn.2:24). Nếu "người nam lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình" như thế thì ở đây chồng theo vợ chứ đâu có phải là vợ theo chồng! Vậy thì văn hóa hôn nhân của chung con người từ trước đến nay đã đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa rồi sao? Những bàn giải sau đây sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.
Trước hết, cũng theo Sách Khởi Nguyên, đoạn 2, nếu Thiên Chúa dựng nên người nữ từ con người đầu tiên tự bẩm sinh mang nam tính là Adong, và mục đích Thiên Chúa dựng nên người nữ cho con người mang nam tính là để người nữ trở thành một đồng bạn xứng hợp với con người tự bẩm sinh mang nam tính sống một mình không tốt, thì với tư cách làm vợ của mình, tức làm đồng bạn xứng hợp của người nam, người nữ thuộc về người nam và phải theo người nam là chồng của mình.
Sau nữa, Sách Khởi Nguyên nói về việc con người nam nhân làm chồng đây "lìa bỏ cha mẹ", trong khi Adong không hề được sinh ra bởi một cha mẹ nào, mà là được chính Thiên Chúa tạo thành từ bụi đất và bằng hơi thở thần linh của Ngài. Bởi vậy, việc con người nam nhân làm chồng "lìa bỏ cha mẹ" đây không có nghĩa đen là theo vợ, về ở với vợ, như trường hợp vợ theo chồng và về ở với chồng vẫn thấy nơi trường hợp của người nữ làm vợ từ trước đến nay. Ðúng hơn, việc con người nam nhân làm chồng "lìa bỏ cha mẹ" đây là việc họ theo ơn gọi làm chồng của mình, như nam nữ theo ơn Chúa gọi thì bỏ nhà đi tu, hay như trường hợp Abram theo ơn Chúa gọi thì rời bỏ quê cha đất tổ để đi đến nơi Chúa chỉ cho (xem Gn.12:1). Vậy ơn gọi làm chồng của con người nam nhân đây là gì, nếu không phải là, như Sách Khởi Nguyên, ngay sau khi nói về việc Adong "lìa bỏ cha mẹ", liền nói "gắn bó với vợ mình".
Phải, ơn gọi của người làm chồng đó là "gắn bó với vợ mình". Không phải hay sao, ơn gọi làm chồng này, theo tự nhiên, đã gắn liền với con người mang nam tính? Ở chỗ, khi còn "ở một mình không tốt", tức là khi tới tuổi dậy thì mà còn độc thân, nam nhân tự nhiên như luôn luôn bị thúc đẩy, hay nói cách khác, vốn có khuynh hướng tìm kiếm "xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi". Việc nam nhân tìm kiếm nữ giới, qua việc đi "cua", "tán", "theo" phái đẹp đây không phải là dấu hiệu chứng tỏ ơn gọi "gắn bó với vợ mình" khi lập gia đình hay sao?
"Nên Một Xác Thịt"
Thế nhưng, người chồng phải thực hiện ơn gọi "gắn bó với vợ mình" bằng cách nào và như thế nào mới đúng như ý Ðấng đã xe duyên kết nghĩa cho mình, như chính Ngài đã dựng nên Evà và còn đích thân mang Evà đến cho Adong, để chính thức kết duyên cho đôi uyên ương nguyên tổ trong vườn địa đàng, lúc mà cả hai đang ngây ngất hồn nhiên với bộ áo cưới "trần truồng không biết xấu hổ". Cũng ngay trong cùng một đoạn và câu của Sách Khởi Nguyên trên đây, sau khi nói đến chuyện con người nam tính "lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình", Mạc Khải Thánh Kinh liền tiết lộ bản chất làm nên hôn nhân nói chung và ý nghĩa sâu xa của ơn gọi làm chồng nói riêng, qua câu: "và trở nên một thân thể với vợ".
Ðúng vậy, để thể hiện ơn gọi làm chồng là "gắn bó với vợ mình", con người nam tính phải "trở nên một thân thể với vợ". Hay nói cách khác, "trở nên một thân thể với vợ" là người chồng hoàn thành ơn gọi làm chồng của mình. Thế nhưng, thực tế cho thấy, về sinh lý hay thể lý, người chồng không thể nào "trở nên một thân thể với vợ" được. Do đó, chữ "thân thể" đây phải hiểu là bản thân mình, bản thân người chồng, tức là người vợ của người chồng, đúng như văn hóa Việt Nam vẫn cho phép người chồng gọi vợ là "mình", và đúng như lời Thánh Phaolô khuyên người làm chồng là "phải yêu thương vợ mình như yêu thương bản thân mình. Ai yêu vợ mình là yêu chính bản thân mình" (Eph.5:28). Như thế, để "trở nên một thân thể với vợ" hầu có thể thực hiện trọn vẹn và hoàn hảo ơn gọi làm chồng của mình, người chồng "phải yêu thương vợ mình như yêu thương bản thân mình".
Nói tóm lại yêu thương vợ mình là ơn gọi của người làm chồng, hay nói ngược lại, ơn gọi của người làm chồng là yêu thương vợ mình. Người chồng nào cảm thấy cuộc sống hôn nhân với vợ mình không còn hay không có hạnh phúc thì trước hết hãy xét lại xem mình đã chu toàn hay đã hết sức thực hiện ơn gọi "yêu thương vợ mình như yêu thương bản thân mình" chưa? Nếu rồi thì họ có khổ cũng đừng lo, tới thời điểm Chúa định, Ngài sẽ giải quyết mọi sự tốt đẹp cho họ, như Ngài đã thực hiện trong trường hợp của Thánh Giuse (xem Mt.1:18-25).
Tuy nhiên, cả Thánh Kinh lẫn thực tế cho thấy, cũng không thiếu những trường hợp người chồng "yêu thương vợ mình như yêu thương bản thân mình" mà vẫn không hoàn trọn ơn gọi làm chồng của mình, trái lại, còn tác hại đến chính bản chất hôn nhân là "trở nên một thân thể với vợ" nữa. Ðiển hình nhất là trường hợp của đôi uyên ương nguyên tổ trong vườn địa đàng. Adong đã chẳng yêu thương vợ mình hay sao, đến nỗi, như chính Thiên Chúa cũng nhận thấy là "ngươi đã nghe vợ mà ăn cây Ta cấm ngươi ăn" (Gn.3:17). Ở đây, tuy Adong không ghét vợ hay không còn hợp với vợ mình đã tự mình "chọn" chứ không ai ép, để có thể đi đến chỗ ly dị vợ mình như ngày nay, nhưng tình của Adong yêu Evà cũng đã làm cho hai người, thay vì "trở nên một thân thể", lại gặp phải tình trạng ly thân đáng thương.
Ðúng thế, sau khi yêu thương nhau cách hồn nhiên nhưng ngang trái với ý muốn của Thiên Chúa, đôi uyên ương nguyên tổ đã không ly thân nhau là gì, khi hai người, về thể lý, tuy là vợ chồng với nhau, mỗi người cũng phải tìm cách che giấu đi "cái" phái tính đặc thù (private part) của mình, chứ không còn là một thân thể khi "cả hai trần truồng mà không biết xấu hổ" (Gn.2:25) nữa. Về tâm lý, đôi uyên ương nguyên tổ cũng không ly thân nhau là gì, khi Adong bị Chúa hạch hỏi "ai đã bảo cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng?" (Gn.3:11) liền đổ lỗi cho Evà: "Người nữ mà Chúa cho ở với tôi đã đưa cho tôi trái cây đó nên tôi đã ăn" (Gn.3:12).
"Người nữ Chúa cho ở với Tôi"
Thành ngữ "người nữ mà Chúa cho ở với tôi", được thốt ra từ cửa miệng Adong đây, chẳng những nói lên việc vợ theo chồng hơn là chồng theo vợ, mà còn nói lên việc Adong ý thức được hôn nhân là một ơn gọi chứ không phải là chỉ việc tìm kiếm để đáp ứng cho thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý tự nhiên tới thời của nó nơi con người phái tính của mình. Chính vì ngày nay người ta theo văn hóa hôn nhân "pro choice", tức chủ trương tôi có quyền chọn ý trung nhân thì tôi cũng có quyền bỏ, có quyền chọn lại, mới xẩy ra tình trạng ly dị và phá sản hôn nhân như ngày nay, và từ đó lây sang tình trạng phá thai khủng khiếp như bây giờ. Hiện tượng ly dị được pháp lý hóa cho thấy hết sức rõ ràng là con người cực kỳ văn minh ngày nay qúa ấu trĩ, không biết chọn lựa gì cả, chọn gì cũng không xong, không được như ý, thay đổi, chóng chán, như trẻ con!
Thế nên, tới khi nào con người ý thức được hôn nhân là một ơn gọi, ở chỗ, người bạn đời của mình là do Thiên Chúa chọn cho mình, mình chỉ là người chấp nhận nhau từ Ngài, như Adong đã chấp nhận Evà từ tay Thiên Chúa trong vườn địa đàng như "người nữ Chúa cho ở với tôi", hôn nhân của con người mới thực sự có ý nghĩa, bền bỉ và hạnh phúc. Bởi vì, một khi ý thức được người bạn đời của mình là "người Chúa cho ở với" mình thì vợ chồng mới kính trọng nhau như là người của Chúa, chứ không phải chỉ yêu thích nhau như là người của mình, cho đến khi không thích nữa thì bỏ, thì tìm người khác. Và vì vợ chồng là "người Chúa cho ở với" mình như thế, nên phản bội nhau là phản bội Chúa trước hết, là "phân rẽ những gì Thiên Chúa đã kết hợp" (Mt.18:6).
Nếu Adong ý thức được hôn nhân là một ơn gọi và đã yêu thương "gắn bó với vợ mình" là "người Chúa cho ở với" ông, mà còn chưa hoàn tất được ơn gọi làm chồng của mình, và nếu Thánh Giuse là "một con người công chính" (Mt.1:19) còn gặp bị thử thách trong đời sống hôn nhân đến gần như làm cho hôn nhân bất thành, thì vợ chồng nói chung và người làm chồng nói riêng ngày nay, không nhiều thì ít, không nặng thì nhẹ, làm sao có thể hoàn toàn tránh được những cơn bão El Nĩno tàn phá hay dập vùi hạnh phúc hôn nhân, chứ chưa nói đến việc "Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội thế nào, các người chồng cũng phải yêu thương vợ mình như vậy" (Eph.5:25).
Phải, chỉ có tình yêu Chúa Kitô đối với Giáo Hội nơi thành phần làm chồng mới có thể giải nguy cho tình trạng hôn nhân đang phá sản khủng khiếp ngày nay. Nếu Adong, khi còn trong tình trạng công chính nguyên thủy chưa biết đến tội lỗi là gì, mà thấy được gương của Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội để mà noi theo, thì chưa chắc Adong đã yêu thương Evà vợ mình ngang trái và tai hại như thế. Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội. Adong cũng yêu thương Evà. Tuy nhiên, tình yêu của Chúa Kitô đã thánh hóa Giáo Hội (xem Eph.5:27), trong khi tình yêu của Adong lại làm cho Evà phải mang nặng đẻ đau (xem Gn.3:16).
Vậy, nếu ơn gọi của người làm chồng là "gắn bó với vợ mình", bằng việc "trở nên một thân thể với vợ", được thể hiện nơi mối tình "yêu thương vợ mình như yêu thương bản thân mình", không phải như kiểu cách của mình mà là "như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội và đã hiến mình cho Giáo Hội", thì xin thánh Giuse, vị phu quân công chính đã hết mình yêu thương Mẹ Maria là người Chúa cho ở với ngài, khi ngài vui nhận Mẹ về nhà làm bạn, để phục vụ Mẹ và Chúa Giêsu như một người "làm đầu là làm tôi tớ" (Mt.20:27), cầu xin cho mỗi một người làm chồng và làm gia trưởng trong gia đình, được tràn đầy Chúa Thánh Thần là Tình Yêu ban Sự Sống. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét