Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

SUY NIỆM NGÀY 23/2/2018

Lề Luật và Lời của Đức Giê-su(Mt 5, 20-26)

20 “Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh,24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục.26 Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng”.

SUY NIỆM 
“Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ”. Khi nói những lời trên đây, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy luôn sống hoà thuận với nhau, vì sự hoà thuận là dấu chỉ và là đường đưa chúng ta đến với Thiên Chúa.

Quả thế, mỗi người chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa nơi chúng ta là chúng ta được dựng nên để yêu thương và được yêu thương. Do đó, khi chúng ta sống thiếu yêu thương, sống bất hoà với anh chị em mình là chúng ta làm cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta bị hoen ố. Do đó Chúa Giêsu đã không ngần ngại cảnh báo chúng ta rằng “Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ‘ngốc’, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là ‘khùng’, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục”.

Trong nguyên tắc ngoại giao người ta thường nhấn mạnh đến chủ trương “thêm bạn bớt thù”. Nhờ nguyên tắc này, người ta hướng đến xây dựng một thế giới đại đồng: tứ hải giai huynh đệ - anh em bốn bể một nhà. Là người Kitô hữu, chúng ta phải có thái độ siêu nhiên hơn nữa để “biến thù thành bạn: như Chúa đã dạy: “Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con”. Đó chính là cách sống mà Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta theo bước Người, Đấng luôn yêu thương hết mọi người không loại trừ ai. “Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết”. Hay nói khác đi có yêu thương và sống hoà thuận với nhau, chúng ta mới đi đúng vào con đường đến với Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con trái tim rộng mở của Chúa để chúng con luôn biết yêu thương và sống hòa thuận với hết mọi người như Chúa đã yêu thương con. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


XIN LỖI NGƯỜI ANH EM
 “…Hãy đi làm hoà với anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,24)
Suy niệm: Là con người, ai cũng có thể phạm lỗi lầm. Mà đã phạm lỗi, trước hết phải biết xin lỗi. Vì thế, xin lỗi là điều cần thiết phải làm thường xuyên trong đời sống hằng ngày. Ta có thể cảm nghiệm được điều này là một lời xin lỗi, dù vụng về đến đâu, cũng có thể đem lại một hiệu quả nào đó, khi lời xin lỗi ấy phát xuất từ tấm lòng chân thành, sẵn lòng chịu trách nhiệm về điều sai lỗi của mình. Trong thánh lễ, ta thú nhận với Thiên Chúa và anh chị em về lỗi phạm của mình trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Thế nhưng, có thể ta chỉ thú nhận trên môi miệng, theo thói quen cách máy móc, chứ chưa hẳn đã thành tâm hối hận, muốn sửa chữa và đền bù. Làm hòa với nhau là điều vô cùng cấp bách, đến nỗi Chúa Giê-su dạy ta để của lễ trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đang có chuyện bất hòa với ta, rồi mới trở lại tiếp tục dâng của lễ cho Chúa (c. 23-24).
Mời Bạn: Lời xin lỗi rất cần thiết với mọi người trong cuộc sống. Không chỉ người “nhỏ” phải xin lỗi người “lớn,” mà cả người “lớn” cũng phải biết xin lỗi người “nhỏ.” Sai lầm làm bạn bất an và cuộc sống trở nên nặng nề, nhưng lời xin lỗi chân thành khả dĩ phục hồi niềm vui của cuộc sống. Mời bạn hãy can đảm nói lời xin lỗi với tha nhân và Chúa, với ý muốn sửa lỗi và đền bù, khi tham dự thánh lễ hay trước khi đi ngủ.
Sống Lời Chúa: Hãy cảm nghiệm và sống câu Lời Chúa này: “Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Đừng để ma quỷ thừa cơ lợi dụng” (Ep 4,26).

Cầu nguyện: Đọc kinh Thú nhận chậm rãi mỗi ngày để xin lỗi Chúa và tha nhân trong Mùa Chay này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét