Chuyện kể rằng: một thiếu nữ hôm mừng sinh nhật tuổi 17, đã xin Mẹ cô một chiếc gương soi cỡ lớn, nhưng người mẹ đạo hạnh lại cho cô một gói quà nhỏ. Mở ra, cô thấy một bức ảnh Đức Mẹ với lời đề tặng: “Đây là chiếc gương lớn nhất mà mọi người cần soi bóng .” Bấy giờ thiếu nữ mới hiểu và hằng ngày cô đã soi bóng mình trong tấm gương Maria. Sau đó cô đã đi tu, sống một cuộc sống thánh thiện, và trở thành một vị thánh.
Người thiếu nữ trong câu chuyện trên đây nhờ người mẹ đạo hạnh nên biết soi chiếu đời mình nơi tấm gương Đức Maria. Thật vậy, Đức Maria chính là mẫu gương tuyệt hảo về mọi nhân đức cho mỗi người chúng ta noi theo. Hôm nay, chúng ta cùng nhau noi theo gương thăm viếng của Mẹ.
Bài Tin mừng thánh Luca tường thuật lại biến cố Mẹ đi thăm viếng bà Êlizabéth. Biến cố này diễn ra liền sau khi Mẹ vừa chấp nhận lời Thiên thần truyền tin để cưu mang Đấng Cứu Thế. Lúc đó, Thiên thần Gabriel báo cho Mẹ biết bà Êlizabeth đã cưu mang Thánh Gioan Tẩy Giả được sáu tháng. Mẹ liền chỗi dậy, vội vã đi lên miền núi. Không phải Mẹ “vội vã” tới nơi bà Êlizabéth để kiểm chứng lời của Thiên thần loan báo, cũng không phải để khoe khoang với Bà Êlizabét vì Mẹ được làm Mẹ Đấng Cứu Thế? Nhưng sự “vội vã” nói lên tâm tình của Mẹ: tâm tình muốn chia sẻ; tâm tình muốn giúp đỡ. Vì muốn chia sẻ niềm vui có Chúa trong mình, vì muốn giúp đỡ bà chị họ trong lúc khó khăn, nên Mẹ đã chấp nhận hy sinh lên đường. Mẹ “đi lên miền núi .” Đường miền núi chắc chắn sẽ khó khăn vất vả: bụi bặm trong những ngày nắng, trơn trượt trong những ngày mưa. Nhưng dù khó khăn vất vả đến mấy cũng không ngăn cản được tình yêu của Mẹ. Mẹ đã lên đường. Mẹ đã vượt qua được quãng đường dài đầy gian nan vất vả, cuối cùng Mẹ đã đến.
Giờ phút hai bà mẹ gặp nhau. Người thăm viếng và người được viếng thăm tay bắt mặt mừng. Niềm vui trong giờ phút đó không bút mực nào tả xiết. Đối với Bà Êlizabéth, được “Chúa cất đi nỗi tủi nhục,” cho bà mang thai trong tuổi già, đã là niềm vui vô cùng to lớn. Giờ đây, niềm vui đó được nhân lên gấp bội khi được “Mẹ Chúa đến viếng thăm ." Còn Mẹ Maria, Mẹ vui vì có Chúa trong mình. Mẹ vui vì thấy được những sự lạ lùng đang diễn ra trong cuộc đời của Mẹ. Mẹ vui hơn khi được chia sẻ niềm vui đó cho bà chị họ. Khi nghe bà Êlizabéth ca tụng, Mẹ quy hướng tất cả những gì Mẹ được về cho Thiên Chúa “Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều kỳ diệu .” Chính vì vậy, Mẹ đã cất lời ngợi khen Thiên Chúa bằng lời kinh Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa Đấng Cứu độ tôi .”
Niềm vui giữa hai bà Mẹ được lan tỏa sang hai người con đang còn trong bụng. Bà Êlizabéth đã xác nhận: “Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi .”
Chính niềm vui hôm nay đã được tiên tri Sôphônia tiên báo, như chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ nhất: “Hỡi thiếu nữ Sion, hãy cất tiếng ca! Hỡi Israel, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy hân hoan và hãy nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi, và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Israel là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa .” Vị tiên tri đã báo trước về ngày này. Ngày vua Israel thực hiện lời hứa. Ngày Ngài viếng thăm và cứu chuộc dân Người.
Hiệu quả của cuộc thăm viếng này vô cùng lớn lao: bà Êlizabeth được Mẹ lưu lại giúp đỡ trong những ngày thai nghén, sinh nở: “Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình .” Thánh Gioan Tẩy giả được khỏi tội Tổ Tông Truyền ngay từ trong lòng Mẹ. Như vậy, cả nhà ông Giacaria đều tận hưởng niềm vui hoàn hảo vì có Chúa và Mẹ ở cùng.
Biến cố Đức Mẹ đi thăm viếng bà Êlizabéth không những mang tính lịch sử mà còn là mẫu mực cho các cuộc thăm viếng của con người qua mọi thời đại.
Trong cuộc sống, chúng ta thường thể hiện tình yêu thương bằng nhiều cách thế khác nhau: có thể bằng một tin nhắn, bằng một cú điện thoại, bằng một lá thư điện tử, bằng một lá thư viết tay, bằng một gói quà đặt trọn tất cả tấm lòng trong đó ..., nhưng tất cả những cách thức đó không thể thay thế cho sự thăm viếng cách trực tiếp. Bởi vì, thăm viếng không chỉ là chuyện thường tình giữa con người với nhau: giữa anh chị ruột thịt với nhau, giữa bạn bè với nhau, giữa làng xóm láng giềng với nhau, giữa người khoẻ với người đau yếu … Nhưng có khi sự thăm viếng lại là một bổn phận: bổn phận giữa bề dưới với bề trên, bổn phận giữa người khoẻ với người ốm đau bệnh tật, bổn phận giữa con cái cháu chắt với ông bà cha mẹ. Con cái có bổn phận thường xuyên thăm viếng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ gặp sự khốn khó, bệnh tật, như người xưa dạy rằng:
“Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con .”
Tuy nhiên, trong thời buổi kinh tế thị trường, người ta thường hay vịn lý do công việc để miễn trừ cho bổn phận thăm viếng ông bà, cha mẹ. Nhưng thử hỏi, công việc, tiền bạc quan trọng hơn hay là bổn phận thăm viếng, lòng thảo hiếu với ông bà cha mẹ quan trọng hơn? Cần dành thời gian nhiều để thăm viếng. Thăm viếng khi vui, thăm viếng khi buồn, thăm viếng khi ốm đau bệnh tật. Người ta thường nói: “Vui chia vui thành hai vui khác, buồn chia buồn chỉ còn một nửa .”
Để các cuộc thăm viếng mang lại niềm vui và hiệu quả tốt đẹp, cần phải noi gương Mẹ Maria luôn phải mang Chúa trong mình. Có Chúa là có tình thương, niềm vui và bình an. Khi đó cuộc thăm viếng của chúng ta mới đem tình yêu đến cho mọi người.
Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta, luôn bắt chước gương thăm viếng của Mẹ Maria. Hãy thăm viếng nhau và đem lại cho nhau những niềm vui và sự bình an. Hãy thăm viếng những người yếu đau và có thể mang theo những món quà với tình thương mến. Bề trên hãy thăm viếng những người bề dưới với sự đồng cảm và sẻ chia. Bề dưới hãy thăm viếng bề trên với lòng hiếu kính. Đặc biệt, trong các cuộc thăm viếng hãy mang Chúa đến cho tha nhân, như Đức Mẹ đem Chúa đến cho cả gia đình ông Giacaria ngày xưa.
Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con biết noi gương Mẹ Maria luôn biết siêng năng thăm viếng tha nhân. Xin Chúa đồng hành với chúng con trong các cuộc thăm viếng, để các cuộc thăm viếng của chúng con mang lại niềm vui và sự bình an cho tha nhân. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
Sống đức tin với Đức Mẹ
Chị Isave (Êlisabét) đã chúc mừng cô Em họ Maria: “Em thật có phúc, vì đã TIN rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45).
Cái tên Maria không có gì đặc biệt, chỉ là cái tên bình thường của các cô gái miền quê, nhưng thôn nữ Maria lại có những thứ đặc biệt mà không một thụ tạo nào có được. Chính Đức Mẹ cũng đã phải thốt lên: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lc 1:48-49).
Diễm phúc cao cả của Đức Mẹ là nhờ chính Đức Mẹ đã khiêm nhường, tín thác, và tuân phục: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Chính sự khiêm nhường với niềm tin và vâng phục tuyệt đối đó đã làm cho Đức Mẹ xứng đáng đón nhận ơn cao trọng nhất.
Kiếp sau chỉ còn đức mến, không còn đức tin và đức cậy. Như Thánh Phaolô nói: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 cr 13:13). Tuy nhiên, trên cuộc lữ hành trần gian, đức tin rất cần thiết, vì có tin tưởng thì người ta mới trông cậy và yêu thương. Chúa Giêsu đã xác nhận: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Lời chúc phúc này có thể được coi là Mối Phúc Thứ Chín.
Về đức tin, Thánh Tiến sĩ Augustinô nói: “Bạn nói bạn tin, bạn nên đi làm theo cái bạn tin, đó mới là đức tin”. Còn Thánh Tiến sĩ Thomas Aquinô nói: “Công hiệu của năng lực cầu nguyện là đến từ đức ái, nhưng năng lực để cầu nguyện cho được hiệu quả, vẫn là do đức tin và đức cậy của mình”. Đặc biệt hơn, Thánh Tiến sĩ Têrêsa Avila nói: “Tất cả tội lỗi đều do thiếu đức tin mà ra”.
Đức Mẹ là Mẹ của đức tin, đức cậy và đức mến. Dù không một ngày đi tu, nhưng Đức Mẹ đã sống trọn ba lời khấn: Thanh tuân, thanh khiết, thanh bần (vâng lời, nghèo khó, khiết tịnh). Thánh Irênê nói: “Tội lỗi do sự bất trung của Bà Eva đã được chữa lành bằng đức tin của Đức Maria”. Đức Mẹ còn được đồng công cứu độ vì Đức Mẹ đã chịu tử đạo âm thầm, nhất là khi đứng bên Thánh Giá.
Thánh Augustinô nói: “Khi Đức Maria bằng lòng mang thai Ngôi Lời, bằng cách tin tưởng, Đức Mẹ đã mở Cửa Trời cho nhân loại”. Đức Mẹ là mẫu gương cho các phụ nữ làm mẹ và làm vợ, thậm chí có thể hoán cải người chồng ngoại giáo, như Thánh Phaolô nói: “Người vợ nào có chồng ngoại đạo mà người này bằng lòng ở với người ấy, thì người ấy đừng bỏ chồng. Thật vậy, chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ vợ, và vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ người chồng có đạo. Chẳng vậy, con cái anh em sẽ là ô uế, trong khi thật ra chúng là thánh” (1 Cr 7:13-14). Vai trò phụ nữ thật quan trọng, chính sự yếu mềm của họ lại khả dĩ trở thành sức mạnh bất khả kháng. Do đó, về phương diện đức tin, Thánh Êlidabét đã chúc mừng Đức Mẹ là người diễm phúc: “Em thật có phúc, vì đã TIN rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:45).
Qua Kinh Thánh, chúng ta nhận thấy có 4 điều đặc biệt ở Đức Mẹ:
1. Trọn đời đồng trinh. Đức Mẹ thụ thai và sinh Chúa Giêsu bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, chứ không do ý muốn nhục dục của loài người, đó là chân lý mặc khải của Kinh Thánh (Mt 1:18-25; Lc 1:26-38). Dù sinh con nhưng Đức Mẹ vẫn hoàn toàn đồng trinh. Kinh Thánh nói rằng Chúa Giêsu có 4 anh em họ là Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa (Mt 13:55-56) chứ không nói anh em ruột.
Thế kỷ thứ VI, cả Luther, Zwingli, và Calvin cũng đã chân nhận đặc tính trọn-đời-đồng-trinh của Đức Maria. Sự trinh tiết của Đức Maria là tấm gương trung tín với lời mời gọi trở thành Thánh Mẫu của Chúa Giêsu. Quả thật, Đức Maria vô cùng diễm phúc vì đã mang thai Đấng Cứu Thế – gọi là Theotokos.
2. Vô nhiễm Nguyên tội. Đức Maria được đặc ân không mắc Tội Nguyên Tổ. Đức Maria là đối tượng chọn lựa của Thiên Chúa trong Đức Kitô, được chuẩn bị để làm Mẹ của Chúa Giêsu. Đức Maria là mẫu gương sống thánh thiện, mọi thế hệ đều ca khen Đức Maria. Đức Mẹ Vô Nhiễm là tín điều của Công giáo, nhưng các Giáo hội Đông phương không chấp nhận và được Tây phương tranh luận trước và sau cuộc cải cách.
Nhưng Kinh Thánh nói rằng lời mời gọi cứu độ của Thiên Chúa có thể xảy ra trước khi thụ thai và trước khi sinh: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1:5). Thánh Phaolô cũng xác nhận: “Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người” (Gl 1:15). Ngay lúc truyền tin, Sứ thần đã nói với Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Chị, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Chị, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35).
3. Hồn xác lên trời. Tín điều Mông Triệu áp dụng cho Đức Mẹ là điều trong Kinh Thánh đã xảy ra với các ngôn sứ Ênóc và Êlia – hồn và xác được đưa lên trời khi kết thúc cuộc đời trần thế.
Theo cách này, Đức Maria tin mình được tham dự vào những gì mà các thánh sử nói tới như trạng thái xuất thần của Giáo hội khi Chúa Giêsu trở lại. Sự kiện Đức Mẹ hồn xác lên trời bao hàm nhiều điều thuộc lĩnh vực tuyên tín Kitô giáo: Thực tế của Nước Trời; các thánh cùng thông công; chiến thắng sự chết; thân xác sống lại; Đức Kitô chiến thắng tội lỗi, hỏa ngục và tử thần; tin Đức Kitô tái lâm trong vinh quang; sự tốt lành của công cuộc sáng tạo; sự kết hợp đời đời của linh hồn và thân xác.
Năm 1950, trong Hiến chế Munificentissimus Deus (Thiên Chúa Đại Lượng Vô Cùng), ĐGH Piô XII đã công bố tín điều Mông Triệu – về trời mà không phải qua cửa sự chết, chết mà như ngủ. Nếu Đức Maria được đưa về trời mà không phải chết, theo cách như Ênóc và Êlia, thân xác của Đức Maria không thể hư nát, do đó không có “lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết” (Rm 6:23).
4. Lời cầu của Đức Mẹ. Kinh Thánh chú trọng sự kiện truyền tin và thăm viếng, chúng ta cũng tôn sùng và yêu mến Đức Mẹ. Chúng ta tôn vinh Chúa với Đức Mẹ và vì Đức Mẹ, cùng với Sứ thần Gbriel và Thánh Êlidabét, chúng ta chúc tụng Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Trong Kinh Magnificat (Kinh Ngợi Khen), chúng ta nhận thấy chứng cớ tiên tri đối với việc cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử cứu độ, đặc biệt là mối quan tâm của Ngài đối với những người khốn cùng và bị áp bức. Chúng ta phải học cách cầu nguyện của Đức Mẹ với tinh thần tin cậy mến như Đức Mẹ, vui mừng vì tình yêu đặc biệt Thiên Chúa dành cho Đức Mẹ, tình yêu ấy được trải rộng từ Hang Belem tới Đồi Canvê. Hợp lời với Giáo hội hoàn vũ, với các thiên thần và các thánh, và cùng với Đức Mẹ, chúng ta tán dương và chúc tụng Một Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh và giàu lòng thương xót.
Chúng ta hãy nghe lời Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Kitô Giêsu. Trong nghề binh, không ai vướng mắc vào những việc thuộc đời sống dân sự; có thế mới đẹp lòng người đã tuyển mộ. Người tham dự điền kinh cũng vậy, không đoạt giải nếu không thi đấu theo luật lệ. Còn người nông dân làm việc vất vả, thì phải là người đầu tiên được hưởng phần hoa lợi” (2 Tm 2:3-6). Qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đã dùng ân sủng và việc loan báo Tin Mừng để lôi kéo những người đã hư mất đến với Đấng Cứu Độ. Quả thật, Thiên Chúa không muốn bất kỳ ai phải vào hỏa ngục đời đời.
Tháng Mười được Giáo hội dành để tôn sùng Đức Mẹ Mân Côi. Chuỗi Mân Côi là Bản Tóm Lược Phúc Âm. Chúng ta hãy nhớ lại ba điều nhắn nhủ của Đức Mẹ tại Fatima, qua ba trẻ (Luxia, Giaxinta và Phanxicô): Cải thiện đời sống, lần hạt Mân Côi, tôn sùng Mẫu Tâm. Tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, vì vinh quang chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa – Soli Deo Gloria!
Trong tâm tình tin cậy mến, chúng ta hãy cùng Đức Mẹ đồng thanh chúc tụng Thiên Chúa:
Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư;
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham, và cho con cháu đến muôn đời. (Lc 1:46-55)
Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư;
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham, và cho con cháu đến muôn đời. (Lc 1:46-55)
Lạy Hiền Mẫu Maria, xin nâng đỡ và hướng dẫn chúng con suốt hành trình đức tin nơi trần thế, hết lòng loan báo Hồng ân Cứu độ, xin cho chúng con được chết lành trong tay Mẹ và được thưởng cùng Mẹ trên Thiên Quốc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét