Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con, để mọi người nên một, cũng như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để cả chúng cũng nên một trong Ta, để thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Con ban cho chúng vinh hiển mà Cha đã ban cho con, để chúng nên một như Chúng Ta là một. Con ở trong chúng, và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một, và để thế gian biết rằng Cha đã sai Con, và Con đã yêu mến chúng như Cha đã yêu mến Con.“Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con, thì Con muốn rằng, Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha Công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.
SUY NIỆM 1
Đoạn Tin Mừng trích từ những lời nguyện thánh hiến của Chúa Giêsu chứa nhiều hình ảnh ẩn dụ, đó là một sự phác hoạ nên chân dung người môn đệ đích thực, là Kitô hữu đúng nghĩa nhất. Cần phải nhớ tới những động từ mà chỉ trong đoạn ngắn, Chúa Giêsu lập đi lập lại: “biết; ở trong; yêu thương; và sai đi”. Có thể nói, đời sống người môn đệ thuộc về Chúa Giêsu là người phải thực thi những mệnh lệnh từ những động từ ấy gợi lên.
Môn đệ trước hết biết mình là ai, tức biết được bản chất ơn gọi của mình. Như Chúa Giêsu biết Chúa Cha, biết về bản thể, vì tự bên trong, nên con người và sứ vụ của Người diễn tả trọn vẹn bản thể Thiên Chúa cho kẻ tin. Môn đệ biết mình được mời gọi từ tiến gọi bên trên, là Thiên Chúa, biết mình ở trong Hội Thánh của người để làm hạt nhân cho sự hiệp nhất, trong đức tin, đức cậy và đức mến. Đời sống môn đệ Chúa phải trở nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày, sai đi vào đời để thực thi ý Chúa, như đoạn sách Isaia mà Chúa Giêsu đọc trong hội đường: Thần khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khổ… công bố năm hồng ân”.
Chúng ta thử hỏi tôi đã làm gì với tư cách người môn đệ Chúa Giêsu? Mỗi ngày tôi có vận hành cuộc đời của tôi trong những động từ mà Chúa gợi lên trong ta không? Tôi biết về Chúa bao nhiêu và mức độ “ở trong” Hội Thánh của chúng ta được bao nhiêu? Hội Thánh ngày hôm nay vẫn cứ loay hoay và trăn trở với câu hỏi phải mở rộng truyền giáo hay tân Phúc Âm hoá bằng cách nào? Nhiều văn bản, hội thảo, hội nghị… cũng chỉ nằm trên giấy khi mà Kitô hữu chúng ta hoàn toàn thụ động và thờ ơ với đời sống đạo của mình. Không biết mình là ai, phải sống đạo thế nào nên chúng ta chỉ giữ đạo cho xong, ngoài ra chúng ta đứng bên lề cuộc Phúc Âm hoá của Giáo Hội. Kitô là những người phải ở trong, không chỉ những bận tâm của Chúa, ở trong những hoạt động của Hội Thánh và phải thực thi mệnh lệnh truyền giáo của Chúa, mà còn ở trong để nên một Hội Thánh duy nhất, nên một với Chúa mỗi ngày, thì đằng ngược lại, chúng ta ở trong như một chủ thể bất động, ở trong mà không hề biết Chúa đang muốn chúng ta làm gì, hoặc có biết thì chúng ta cũng để ngoài tai mọi mời gọi ấy. Thế nên, khi mà bản chất ơn gọi của Kitô hữu bị hiểu lơ mơ, thì đời sống của họ cũng kém chất lượng và nhợt nhạt, thế thì làm sao mà lên đường, làm sao mà biết yêu thương…?
Lạy Chúa, Chúa đã cầu nguyện cho các môn đệ nên một. Xin cho chúng con mỗi ngày cũng ý thức chúng con được Chúa mời gọi nên nhân chứng cho Chúa một cách đầy năng động. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
HIỆP NHẤT TRONG CHÚA
“Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga 17,23)
Suy niệm: Xung đột quyền bính là “chuyện thường ngày ở huyện” từ những cộng đoàn nhỏ bé nhất như gia đình cho đến những phạm vi rộng lớn hơn như quốc gia, quốc tế. Người trên nhân danh sự đoàn kết đòi buộc thuộc hạ chấp hành mệnh lệnh; người dưới khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình nhân danh phán quyết của lương tâm. Ai cũng muốn khẳng định mình là giềng mối của sự hiệp nhất hay sự hiệp nhất chỉ có khi mọi người vâng theo ý kiến của tôi. Thế là xung đột xảy ra. Đối với Chúa Giê-su, mọi quyền bính đã được Chúa Cha trao cho Ngài và Ngài cũng có tự do để hành sử quyền bính ấy, nhưng với tình yêu tự nguyện và để làm vinh danh Cha và để ý Cha được thể hiện. Với Ngài, trong Chúa Cha, tất cả được hiệp nhất với nhau. Như thế, sự hiệp nhất đích thực và trọn vẹn chỉ có được khi cả bề trên lẫn bề dưới cùng hành động phù hợp với Tin Mừng và vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Mời Bạn: Là người có quyền bính, bạn sử dụng quyền bính để qui mọi người về với Thiên Chúa hay qui về bạn? Là người có tự do, bạn hành sử tự do của bạn làm vinh danh Thiên Chúa hay để thoả mãn tính kiêu căng của bạn? Tất cả chúng mình cần nhìn lại và định hướng theo khuôn mẫu Chúa Giê-su để xây dựng sự hiệp nhất.
Sống Lời Chúa: Xét mình: - Bạn có lắng nghe ý kiến người khác và nhận thấy những điểm hay và hợp lý trong đó không? - Bạn phản ứng thế nào khi người khác không theo ý kiến của bạn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hiệp nhất chúng con nên một trong tình yêu Chúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét