Cầu nguyện là gì? Tại sao ta nên cầu nguyện?
Để trả lời câu hỏi "Cầu nguyện là gì," ta phải biết rằng việc tìm hiểu mà ta nhắm tới đây không phải là một tác động; nhưng là một phương pháp thực hành. Cầu nguyện không hẳn là một công việc, nhưng đúng hơn, cầu nguyện là một tâm tình. Thật ra, theo như sách Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo cho biết, cầu nguyện là " một sự liên lạc sống động giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa hằng sống... mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha trên trời" (số 2558, 2565). Để hiểu ý nghĩa của việc cầu nguyện, ta phải saün lòng từ bỏ chính mình cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Giống như Mẹ Maria trong lúc Truyền Tin, ta phải hăng hái tự mình đáp lại tình yêu tự hiến hoàn toàn của Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực của ta.
Như vậy, cầu nguyện nghĩa là đứng trước mặt Chúa và nâng lòng trí ta lên cùng Ngài với tất cả lòng tôn kính và thờ lạy. Cầu nguyện là con đường tươi đẹp dẫn ta vào nguồn mạch vô tận của Thiên Chúa là Đấng hằng sống thật và vô cùng tốt lành. Cầu nguyện là tất cả lòng dâng hiến nhiệt thành của ta trong Chúa Thánh Thần để dâng lên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô.
Vì cầu nguyện liên kết và nói lên mối lên hệ của ta với Chúa, nên bản chất của cầu nguyện là cuộc đàm thoại. Để những người yêu nhau được chìm đắm trong mối liên kết bác ái của họ, thì chính mỗi người phải chia sẻ hết đời sống nội tại của mình cách xác thực, và quảng đại trao đổi những lời (nói), cử điệu và cảm xúc cho nhau. Sự đàm thoại của cầu nguyện làm cho sự thân mật của ta với Chúa được thêm sâu đậm bằng cách nó lôi kéo ta vào sự liên hệ với Ngài để dẫn ta đến cùng Thánh Thể. Cầu nguyện giống như một hành động gợi cảm tình để ta kết hợp mật thiết với Chúa. Cầu nguyện còn làm cho ta nên giống Thiên Chúa mà ta hằng yêu mến như thánh Têrêsa thành Avila nói, "trong một cách thức nào đó, ý muốn trở nên hòa hợp với ý Chúa."
Sự gặp gỡ huyền nhiệm của cầu nguyện gồm 5 hình thức cơ bản: thờ lạy, cầu xin, cầu bầu, cảm tạ, và ngợi khen.
Thờ lạy tuyên xưng sự cao cả của Chúa, Đấng Tạo Hóa và Nuôi Dưỡng ta, trong tinh thần khiêm tốn và tôn kính. Lòng khoan dung vô biên của Chúa khiến ta chúc tụng Đấng là nguồn mọi ơn phúc trong đời sống của ta. Lời cầu nguyện cầu xin thừa nhận sự lệ thuộc của ta vào Thiên Chúa là Cha, đặc biệt nó nhắc nhớ ta quay về với Ngài với lòng ăn năn, sám hối và cầu xin ơn tha thứ. Qua lời cầu nguyện cầu bầu, ta đặt niềm tin của mình vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là vào Cha là Đấng luôn quan tâm đến nhu cầu của con người. Lời cầu nguyện cảm tạ nói lên sự biết ơn mà thích hợp với mọi người trưởng thành và thật thà, đặc biệt là nó kêu gọi ta chú ý đến đến việc Chúa Giêsu cứu chuộc và làm cho ta được trở nên tự do. Cuối cùng, như Giáo lý cắt nghĩa, lời cầu nguyện ngợi khen "ca hát Chúa vì chính bản thân Ngài, tôn vinh Ngài không những vì các kỳ công của Ngài, mà còn vì Ngài là Ngài." (số 2639).
Tóm lại, 5 hình thức cầu nguyện cho phép ta yêu mến Chúa vì những kỳ công Ngài đã tạo dựng, yêu mến Chúa vì lòng thương xót của Ngài, yêu mến Chúa vì sự hiện diện và giúp đỡ của Ngài trong cuộc sống ta, yêu mến Chúa vì sự cứu chuộc dịu dàng của Ngài, và yêu mến Chúa vì chính bản thân Ngài.
Nhưng tại sao ta nên cầu nguyện? Ta cần cầu nguyện để lòng trí ta luôn nhớ đến Ngài và trong đời sống của ta luôn có sự hiện diện quan trọng của Ngài. Như thánh Gregory thành Nazianzen nói: "Ta phải nhớ đến Chúa nhiều hơn là ta thở." Giống như ta không thể sống nếu không có hơi thở, thì ta cũng sẽ chết mòn nếu không có cầu nguyện. Cầu nguyện bảo đảm kho tàng quí giá của ta là tình bạn giữa ta và Chúa Giêsu; như Chúa đã nhắc nhở ta: "Kho tàng anh ở đâu thì lòng anh cũng ở đó" (Mt 6:21). Ta cũng nên nhớ rằng, cầu nguyện không buộc Chúa phải "cập nhật hóa" với đời sống của ta; như trong Giáo lý đã dạy: "Cha ta trên trời biết ta cần gì trước khi ta cầu xin Ngài, nhưng Ngài chờ đợi ta cầu xin vì phẩm giá của con cái Ngài ở nơi sự tự do của họ" (số 2736). Ta cần cầu nguyện để thực tập ước muốn tự do của mình trong cách thức mà do đó, nó cho ta biết sự ao ước tối hậu của ta là nên một với Chúa. Trong cầu nguyện, ta tìm ra được phẩm giá thực sự của mình, đó là " Thiên Chúa đặt ta ở thế gian này để ta nhận biết, yêu mến và phụng sự Ngài, và do đó ta được lên thiên đàng" (số 1721). Cầu nguyện cho ta biết thực chất về giới hạn và sự yếu đuối của mình. Vì như thánh Têrêsa Lisieux, một "Bông Hoa Bé Nhỏ" chứng nhận: "Đó là cầu nguyện, đó là sự hy sinh để cho ta đầy sức mạnh; đó là những vũ khí ma quỉ không thể thắng được mà Chúa Giêsu ban cho tôi."
Cầu nguyện thanh lọc và làm cho đời sống ta nên trong trắng khi nó gạt ra ngoài những thú vui thấp hèn, những gian trá và những lừa đảo của thế gian. Cầu nguyện cung cấp cho ta một nền tảng vững chắc để xây dựng và gọt chữa tất cả những liên hệ khác trong đời sống của ta. Cầu nguyện cảnh tỉnh rằng ta không cô đơn trong đời sống đúc tin. Cầu nguyện không chỉ kéo ta đến gần Chúa, nhưng nó còn kết hợp ta với từng người thánh thiện khác mà có lòng yêu mến Chúa giống như ta. Một cách đơn giản, cầu nguyện nhắc nhở rằng ta không thể tiến lại gần Chúa một mình được, chỉ có ai sống trong tình yêu mến mới gặp được Chúa. Ta cần nắm chắc việc cầu nguyện để tìm ra được chân lý và hạnh phúc mà ta hằng luôn kiếm tìm.
Cách thức và lời cầu nguyện
Cầu nguyện bằng cách nào nếu ta chưa cầu nguyện bao giờ? Trước khi nghiên cứu những phương pháp qua nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau, ta phải nắm vững một chân lý căn bản về cầu nguyện mà Giáo lý Công giáo nói rõ: "Khi cầu nguyện, tình yêu Thiên Chúa tín trung luôn đi trước và bước đầu của ta luôn là một sự đáp lời. Dần dần Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người, và mạc khải cho con người biết chính bản thân mình, khi đó việc cầu nguyện xuất hiện như lời mời gọi hỗ tương" ( sách giáo lý Công Giáo số 2567). Như vậy, việc làm chính yếu trong việc cầu nguyện là hãy trở nên sinh động và tích cực đáp lại tình yêu tự hiến chính mình của Chúa, một hình ảnh tình yêu trọn vẹn.
Ta tự đặt mình là dân cầu nguyện bằng cách làm cho chân lý tình yêu Chúa là sức mạnh cai quản đời sống của ta. Trong đường hướng này, mọi lời cầu nguyện vẫn còn giữ được một động lực chính yếu của việc đón nhận tình yêu thánh và việc đáp lại ân sủng đó bằng cách biểu lộ tình yêu của chính mình dâng lên Thiên Chúa. Đó là hành vi kết hợp vững bền dâng lên Chúa Giêsu mà vẫn còn cần thiết cho tất cả những lời cầu nguyện tốt đẹp, dù cầu nguyện dưới bất cứ hình thức nào. Vì là một lời cầu nguyện mang tính kết hợp nhiệt thành dâng lên Thiên Chúa qua lòng biết ơn tình yêu của Ngài ban cho ta, nên nó nâng ta lên khỏi chính mình bằng cách hướng mọi nghị lực của ta đến cùng Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó, việc cầu nguyện không phải là chuyện đơn giản "suy nghĩ" về Chúa; nhưng khi ta chưa thực sự quí trọng tình yêu Chúa, thìø ta chưa thực sự yêu mến Chúa. Như vậy, khi ta cầu nguyện là phó dâng hết tâm trí ta cách tích cực để từ đó nó giải thoát chúng ta ra khỏi chính chúng ta hầu kết hợp cùng Thánh Tâm Chúa .
Tác động mến yêu liên nỉ đó gìn giữ ta sống không phải trong chính mình nhưng là sống trong Đức Giêsu, như thánh Phao Lô đã nói: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gal 2:20). Một khi ta bỏ hành vi mến yêu Thiên Chúa, thì ta bị quay về với chính con người của mình một cách đáng nguy. Những ước muốn ích kỷ và vô đạo của ta tự chúng bắt đầu biện hộ; sự sợ hãi sẽ làm chủ ta; ta trở nên có khuynh hướng tự tin vào ý tưởng và ước muốn của ta thay vì tin tưởng vào Thiên Chúa. Do đó, ta phải cầu nguyện để được hạnh phúc ngay trong đời sống này và chuẩn bị cho đời sống vĩnh cửu của ta mai sau.
Cách thức để bắt đầu cầu nguyện là dâng tất cả những sự phiền toái cho Chúa với lòng khiêm nhường, phó thác và tin cậy của người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18: 13). Đó là nền tảng không thể bỏ qua cho người cầu nguyện thực sự, như người Kitô hữu trứ danh trong Con Đường của Những Người Hành Hương (The Way of the Pilgrim) đã khám phá ra. Những dân quê vô danh của thế kỷ 19 này đã đi bộ ngang qua nước Nga và tiến vào một thành thánh vĩ đại một cách đơn giản bằng cách đọc Lời Cầu Nguyện Giêsu: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ có tội." Đó là tấm gương oanh liệt cho ta dõi bước theo họ trong việc học hỏi cầu nguyện.
Tên Cực Thánh Đức Giêsu chính là chìa khóa Thiên Chúa ban tặng cho tât cả người Kitô cầu nguyện đích thực. Vì "cầu xin Chúa Giêsu là kêu cầu Ngài và kêu gọi Ngài trong chúng ta... không có con đường cầu nguyện nào khác của Kitô hữu ngoài Chúa Kitô. Dù là cầu nguyện chung hoặc cá nhân, dù là cầu nguyện lên tiếng hoặc thầm thĩ trong lòng, thì lời cầu nguyện cũng hướng lên tới Chúa Cha chỉ khi nào ta cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu" (số 2666, 2664). Và Giáo lý Công giáo quả quyết rằng mọi người có thể cầu nguyện luôn trong cách thức này: "Lời cầu nguyện này có thể cầu trong mọi lúc, vì đây không phải là một sự bận rộn trong các sự bận rộn khác, nhưng đây là một sự bận rộn độc nhất: bận tâm mến Chúa, sự bận tâm này sẽ làm sống động và thay đổi mọi hành động của ta trong Chúa Giêsu Kitô" (số 2668).
Như vậy, cách thực tế làm sao ta thực hành được công việc này? Trước tiên, hãy dành ra ít nhất 15 hay 20 phút trong ngày khi bạn không bị quá chi phối bởi những sự chia trí, những bó buộc hay những công việc khác của bạn. Hãy tìm một nơi thanh tịnh, riêng biệt và dành nơi đó để cầu nguyện bằng cách đặt lên đó một tượng chịu nạn, tượng hay hình Đức Mẹ hoặc các thánh, vân vân... Ngồi vào ghế với tư thế thoải mái... nhưng đừng quátiện nghi. Đặt lòng bàn chân trên nền nhà và để đôi bàn tay nhẹ nhàng lên đùi. Ngồi nghỉ để tinh thần thoải mái.... thở từ từ và thật sâu. Nhắm mắt. Và bắt đầu đọc thì thầm - hay trong lòng - lời Cầu Nguyện Giêsu: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ có tội."
Đừng ngạc nhiên tới những gì có thể xảy ra. Thí dụ như: tim có thể bắt đầu đập nhanh hơn, làm cho bạn lo sợ hay kích động; hay muôn ngàn những chia trí quấy rầy có thể ào ào xập tới, hoặc có lẽ bạn sẽ chẳng cảm thấy gì khác lạ. Không sao, hãy để lòng trí bạn bình an gắn liền với Danh Thánh Chúa Giêsu. Hãy ở đó trong vòng tay của Ngài, cho đến hết khoảng 20 phút. Nhưng nếu ta bị cắt ngang thì cũng chẳng có gì phải lo lắng. Vì như những người hành hương bảo đảm với ta: "một phút ngắn ngủi gọi mời Danh Chúa Giêsu Kitô thì chắc chắn hơn nhiều giờ ta phí phạm trong sự lười biếng." Cho nên, khi ta trở lại làm việc, ta nên tiếp tục kêu thầm lặng Danh Chúa Giêsu Kitô với chính mình, bất kể ta ở đâu và đang làm gì, cho tới khi ta có cơ hội để suy niệm trở lại.
Việc kết hợp với Chúa không ngừng nghỉ càng trở nên hoàn hảo khi ta học hỏi những lời cầu nguyện thánh hiến truyền thống của Giáo Hội. Mọi người Công giáo nên thuộc lòng những kinh này: Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính, Kinh Chúa Thánh Thần, Kinh Tạ Ơn Te Deum , Kinh trước và sau bữa ăn, Kinh Cám ơn, Kinh Magnificat, Kinh Truyền Tin, Kinh Nữ Vương Thiên Đàng, Lời Cầu Fatima, Kinh Phó Dâng, Kinh Lậy Nữ Vương, và Kinh Con Dâng Linh Hồn Trong Tay Chúa . Có rất nhiều cuốn sách kinh loại lớn cũng như loại bỏ túi có in các kinh này cũng như chỉ dẫn để lần hạt Mân Côi, viếng Đàng Thánh Giá, kinh cầu và kinh nguyện.
Tóm lại, việc cầu nguyện cũng dễ dàng như ta thở. Như tác giả của tác phẩm Con Đường của Những Người Hành Hương có nhắc nhở ta rằng: "Thật ra, cầu nguyện nghĩa là hướng lòng trí ta lên với Chúa, bước đi trong sự hiện diện của Ngài, gợi lòng trí ta đến tình yêu Chúa bằng việc suy niệm, và gọi Danh Chúa Giêsu hòa điệu với hơi thở và nhịp đập con tim của mình."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét