Thứ Tư, 21 tháng 2, 2018

SỐNG THÂN MẬT VỚI CHÚA

SỐNG THÂN MẬT VỚI CHÚA

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy là một tình yêu sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ. Thiên Chúa vẫn từng phút từng giây đổ tràn tình yêu của Người vào đời sống ta. Tình yêu ấy là một tình yêu tha thứ. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu sẵn sàng tha thứ và đón nhận những đứa con hoang đàng trở về. Tình yêu ấy là một tình yêu mong đợi. Thiên Chúa mong đợi ta hiểu biết tình yêu của Người, đền đáp tình yêu của Người, đến sống thân mật với Người.

Niềm khao khát sống thân mật được tỏ bày qua việc Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao. Chỉ chọn riêng ba người vì sự thân mật không thể có giữa đám đông. Sự thân mật chỉ có trong một nhóm nhỏ, vì sự thân mật là mối tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn gặp gỡ riêng ta với Người, muốn có cuộc trò chuyện riêng tư với từng người. Đức Giêsu đưa họ lên núi cao. Núi cao là nơi yên tĩnh. Tình thân mật không thích những chỗ ồn ào. Tình thân mật được phát triển ngoài thiên nhiên, trong thanh vắng. Lên núi cao là bỏ lại sau lưng những phiền toái trần tục, để dành hết tâm tư, thời giờ cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, núi cao là nơi Chúa ngự. Lên núi cao có nghĩa là đến gặp Chúa. Trong gặp gỡ thân mật, Chúa sẽ mặc khải cho ta biết nhiều điều về Chúa và về bản thân ta.


Trước hết Chúa cho ta hiểu biết về Người. Chúa đưa ta vào đời sống thâm sâu của Người. Đó là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống của Ba Ngôi là tình yêu, một tình yêu không ngừng trao tặng và không ngừng nhận lãnh. Tình yêu đó là nguồn mạch sự sống và là nguồn mạch hạnh phúc. Sự sống và hạnh phúc ấy đổ tràn vào tâm hồn những ai đến sống thân mật với Chúa. Ai đã một lần nếm cảm hạnh phúc ấy rồi, vĩnh viễn không thể tách rởi Thiên Chúa được nữa. Chính vì thế, sau khi ngắm nhìn dung nhan Đức Giêsu và sau khi nghe lời Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta yêu dấu”, thánh Phêrô cảm nhận được niềm hạnh phúc ngập tràn đến độ muốn ở lại mãi mãi trên núi, không muốn trở xuống nữa. Chúng ta nhớ lại hai môn đệ Gioan và Anrê, sau một buổi chiều sống với Đức Giêsu đã quyết định theo làm môn đệ của Người. Thánh Phaolô sau khi được đưa lên tầng trời thứ ba đã mạnh dạn nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?... Không, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Sau khi cho ta hiểu biết người, Chúa cho ta hiểu biết chương trình của Người. Chương trình của Chúa là chương trình của tình yêu. Tình yêu được minh chứng qua sự hy sinh quên mình. Chúa Cha, vì yêu thương ta, đã đành hy sinh Con Một yêu quý của Người. Tình yêu ấy được diễn tả qua hành động của Abraham mà ta nghe đọc trong bài đọc thứ nhất. Chúa Con, vì yêu thương ta, đã chấp nhận liều mạng sống như lời Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”. Chương trình tình yêu của Chúa để cứu chuộc ta được thực hiện qua sự đau khổ và cái chết trên thập giá của Đức Giêsu.

Sau cùng, trong thân mật với Chúa, Chúa cho ta hiểu biết về bản thân mình. Gần bên Chúa quyền năng, ta thấy mình chỉ là cát bụi. Sống trong trái tim dịu dàng của Chúa, ta thấy mình quá độc ác dữ tợn. Hưởng nếm tình yêu của Chúa rồi, ta thấy mình chỉ là phường bội nghĩa vong ân. Uống vào suối nguồn sự sống của Chúa, ta khám phá ra những mầm mống chết chóc mà ta ấp ủ trong mình. Tiếp cận với nguồn ánh sáng tinh tuyền của Chúa, ta thấy mình chỉ là bóng tối nhơ uế.

Hiểu biết những sự thực về Chúa và về bản thân, ta sẽ có một cái nhìn khác về con người và thế giới. Ta sẽ nhìn mọi người bằng ánh mắt của Thiên Chúa. Ta sẽ nhìn thế giới như thể nó đã được biến hình trong Đức Giêsu. Ta sẽ nhìn thấy tình yêu Chúa dành cho mỗi người. Mỗi người đều là kết quả của tình yêu cứu độ của Chúa. Ta cũng sẽ nhìn thấy con đường mình phải đi là con đường Thánh giá. Chính những đau khổ sẽ thanh luyện, giúp ta nên tinh tuyền để càng ngày càng gần gũi thân mật với Chúa hơn.

Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con. Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý
1) Bạn đã có kinh nghiệm về sống thân mật với Chúa chưa?
2) Sống thân mật với Chúa ta sẽ hiểu biết gì?
3) Trong mùa Chay này, bạn có dành thời giờ để sống thân mật với Chúa không?

ĐTGM. Ngô Quang Kiệt



Tình Yêu Mạnh Hơn Sự Chết

  • Vâng, chính Con Thiên Chúa đã vì Yêu Thương nhân loại mà Hy Sinh Chịu Chết, và Chết một cách nhục nhã trên Thập Giá, để cho loài người được sống và sống muôn đời.

Một em bé trai tám tuổi vừa vật lộn với tử thần. Sau cả tháng trời, nửa sống nửa chết, em được bác sĩ cho biết đã ra khỏi hiểm nguy, cả em và gia đình đều mừng rỡ hân hoan. Nhưng khi em vừa trở lại đời sống bình thường thì đứa em gái cũng bị đau cùng một chứng bệnh như em. Các bác sĩ tìm cách cứu em nhưng cách duy nhất là phải dùng chính máu của bé trai để tiếp sức cho em gái.

Họ hỏi ý kiến bé trai. Thoạt đầu em tỏ vẻ lo lắng và do dự, nhưng một phút sau, em cương quyết trả lời:
“Vâng, con sẵn sàng hiến máu cho em con”.

Được sự đồng ý này, các bác sĩ tiếp máu cho đứa trẻ yếu đuối. Khi tỉnh dậy, em trai làm các bác sĩ ngẩn ngơ khi em hỏi: 
“Con vẫn còn sống à?”. 

Thì ra, em ấy nghĩ rằng em sẽ chết sau khi tiếp máu cho em mình.
❤❤❤
Em trai trong câu chuyện trên đã mường tượng đến cái chết. Em nghĩ, nếu tiếp máu cho em gái mình, em sẽ phải hy sinh chính mạng sống. Thế nhưng, em vẫn anh dũng chấp nhận, em sẵn sàng chết cho em mình được sống. Hành động này đã minh chứng hùng hồn cho Lời Chúa Giêsu: “ Không có tình yêu nào cao cả hơn Tình Yêu của Người đã Hy Sinh Tính Mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15,13).

Trên đời, tất cả đều chung qui vào việc bảo tồn sự sống. Ai cũng muốn sống và sống một cách sung túc, sống lâu, sống đẹp, trừ một số người khác thường, còn không ai muốn chết bao giờ. Nhưng chính “ Tình yêu mạnh hơn sự chết”, một tình yêu vượt lên trên mọi sợ hãi, mọi đớn đau, để chỉ mong cho người mình yêu được sống và sống hạnh phúc.

CON TIM THIÊN CHÚA LÀ NƠI TRÚ ẨN CỦA TỘI NHÂN
Vâng, chính Con Thiên Chúa đã vì Yêu Thương nhân loại mà Hy Sinh Chịu Chết, và Chết một cách nhục nhã trên Thập Giá, để cho loài người được sống và sống muôn đời. Khi vâng phục Thánh Ý Cha để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã trọn tình ưng thuận một cách hết sức thâm sâu và hiểu biết rất rõ những lợi ích mà Người sẽ đem lại nhân loại. Tuy cái cảm giác nhân tính Người muốn tránh né Khổ Giá, nhưng cuối cùng Người đã “ Xin vâng theo Ý Cha”. Điều ấy chứng tỏ Người đã Yêu Thương nhân loại biết là dường nào.

Vâng, bài học Canvê vẫn thích hợp cho mọi người. Vì Thập Giá muôn đời vẫn là khúc dạo đầu của Ân Sủng, vẫn là tiếng mời gọi Yêu Thương.

Vì Yêu Thương, một Maximilian Kolbe đã tình nguyện chết thay cho một người bạn tù còn một vợ và bảy đứa con.

VÌ Yêu Thương, một Damien tông đồ người hủi đã chết đau đớn với bệnh phong cùi sau một đời hiến thân phục vụ người phong.

Vì Yêu Thương, Mẹ Têrêsa Thành Calcutta đã Hy Sinh suốt một đời cho những người bất hạnh không ai nâng đỡ.

Và còn biết bao người, vì Yêu Thương, đã chết dần mòn trong những hy sinh thầm lặng cho tha nhân không ai biết tới.
❤❤❤
Lạy Chúa, mỗi cử chỉ đẹp con làm cho tha nhân là một bước con đến gần Chúa hơn. Xin cho tất cả những ai con gặp gỡ hằng ngày đều nhận ra được Tình Yêu Chúa trong con.
Xin cho con cảm nghiệm được sức mạnh của Tình Yêu, một “Tình Yêu mạnh hơn sự chết”, để con biết Yêu Thương mọi người bằng chính Tình Yêu Hiến Thân cao cả của Chúa Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét