Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

Mục Tử như lòng mong ước



muc tử
I. LỜI CHÚA
11 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.12 Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn,13 vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.14 Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi,15 như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
16 Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.17 Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại.18 Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”
II. SỐNG LỜI CHÚA
Một trong những hình ảnh đáng yêu nhất của Chúa Giêsu là hình ảnh người mục tử nhân lành. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, chính Chúa Giêsu đã dùng ẩn dụ về người mục tử hy sinh mạng sống vì đàn chiên để nói về tình thương cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại được ví như chiên của Người. Vâng, nếu chú ý đọc bản văn chúng ta sẽ thấy một khung cảnh rất đẹp với hai hình ảnh nổi bật: mục tử và đàn chiên. Người mục tử tốt lành có hai đặc tính: hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên và biết từng con chiên trong khi hai đặc tính của chiên là nhận biết và lắng nghe tiếng mục tử của mình. Để sống ý nghĩa Lời Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy tin tưởng nơi vị mục tử Giêsu và nhìn lại thái độ sống của mình trong trách nhiệm chăm sóc những người chúng ta phục vụ.
1. Nhận biết vị mục tử nhân lành
Giữa biết bao vất vả lo toan của cuộc sống, nhiều khi chúng ta cảm thấy quá bận bịu với những công việc, quá lo âu với những trách nhiệm, quá cô đơn vì không có người chia sẻ cảm thông! Ước mong rằng: lời của Chúa Giêsu hôm nay vang lên trong lòng chúng ta, soi sáng cho chúng ta nhận ra sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa luôn nâng đỡ chúng ta. Trong mọi lúc, đặc biệt là những lúc căng thẳng, mệt mỏi và thất vọng, chúng ta hãy thinh lặng một vài giây phút để lắng nghe lời trấn an của Chúa Giêsu: Con hãy tín thác nơi Ta là mục tử nhân lành của con. Ta đã yêu con đến nỗi hy sinh mạng sống cho con, thì còn gì nữa mà Ta không thể an ủi, hướng dẫn và giúp đỡ con. Vậy, con hãy cởi mở những bận tâm của con cho Ta, con hãy tín thác vào Ta vì Ta đã biết tất cả những gì về con hiện nay. Ta biết phải làm gì cho con được bình an và hạnh phúc. Một điều cần thiết đối với con là chiên của Ta, con hãy nhận biết tình yêu của Ta và thực hiện những điều Ta chỉ bảo cho con.
2. Ngắm nhìn vị mục tử nhân lành
Thực ra, trong cuộc sống chúng ta cầu nguyện đã nhiều, nhưng có bao giờ chúng ta chú ý chiêm ngắm gương mặt hiền hậu đáng yêu của Chúa Giêsu hay không? Chúng ta có thể tưởng tượng mình như một con chiên có lần rời đàn để đi tìm thú vui riêng nhưng chẳng may gặp sói rừng rượt đuổi. Trong giây phút kinh hoàng đó, Chúa Giêsu đã xuất hiện chiến đấu với sói rừng và cúi xuống bồng ẵm chúng ta lên. Người tìm những chỗ chúng ta bị thương tích, và nói những lời yêu thương đang khi Người lau chùi, xức thuốc và băng bó vết thương. Vâng, sau mỗi lần chúng ta phạm tội, Chúa Giêsu cũng cư xử với chúng ta như vậy! Ước mong rằng, trong giây phút được cảm thông tha thứ ấy, chúng ta hãy nhìn ngắm gương mặt dịu hiền, nhân ái và đầy sức sống của Chúa Giêsu và thưa với Người: Lạy Chúa Giêsu con yêu mến Chúa nhất trên đời! Con yêu mến Chúa với trọn trái tim con, tâm trí con, sức lực con và linh hồn con.
3. Biết ơn vị mục tử nhân lành
Khi tâm hồn thanh thản, bình an, chúng ta cảm thấy khoẻ mạnh tràn đầy niềm vui trong những mối tương quan với gia đình và bạn bè; đồng thời, chúng ta cũng gặt hái được nhiều kết quả trong công việc hằng ngày. Những lúc được hưởng hạnh phúc như thế, chúng ta có cảm nghĩ gì? Chúng ta có nhận ra mình đang được Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành yêu thương chăm sóc không? Chúng ta có nhận ra mình như những con chiên được vị mục tử dẫn đến dòng suốt mát, bãi cỏ xanh không? Mỗi người chúng ta cần dành thời gian thinh lặng để cảm nhận thực tại hạnh phúc của người được yêu và chân thành dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ tri ân!
4. Trở nên người mục tử nhân lành.
Khi chiêm ngắm hình ảnh của Chúa Giêsu mục tử nhân lành, chúng ta có thể liên tưởng đến hình ảnh của người mẹ hiền tận tụy nuôi con. Hơn ai hết, người mẹ đã hy sinh mạng sống vì con và biết từng đứa con của mình một cách rõ ràng nhất. Từ kinh nghiệm tình yêu tự nhiên của người mẹ hiền, chúng ta có thể dễ dàng hiểu được sứ mệnh loan báo Tin Mừng của người Kitô hữu cho con người thời đại hôm nay. Tình yêu dẫn đến sứ mạng, chúng ta được yêu và được trao trách nhiệm chăn dắt chiên của Chúa, đàn chiên mà Chúa rất mực yêu quí! Lời Chúa mời gọi chúng ta quan tâm, thăm viếng, chia sẻ và tìm hiểu những người nghèo đang sống bên cạnh chúng ta và hy sinh, phục vụ, cảm thông, tha thứ, thể hiện tình thương đối với họ như Chúa đã yêu thương chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, chỉ có tâm tình và thái độ sống của người mục tử mới có thể qui tụ tất cả mọi chiên khác trở về làm thành một đàn chiên duy nhất của Chúa. Xin Chúa ban cho con trái tim của Chúa mỗi khi con phục vụ anh chị em con. Amen.
Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh


Mục tử nhân lành hoàn hảo không ai khác chính là Chúa Giêsu, là người Mục Tử mẫu mực cho tất cả mục tử như lòng Chúa mong ước.  Khi nói đến người Mục Tử Nhân Lành mẫu mực, Chúa Giêsu cũng đưa ra những tiêu chí cần thiết cho những mục tử ngày nay. Mục tử chính là những người lãnh đạo ngày nay đang điều hành nhiều lãnh vực khác nhau trong đời sống.
Tôn Trọng – Ngưỡng mộ. Là người Mục Tử Nhân Lành để chinh phục người khác, điều cần thiết đầu tiên: Lời nói cần đi đôi với thực hành. Chúa trách các kinh sư: “Họ nói mà không làm” (Mt 23, 3). Không thể bắt người khác tôn trọng người lãnh đạo bằng những thiết chế đồng lương, sự quy phục cưỡng bức bởi uy thế, cũng không dựa vào nịnh hót, dựa dẫm. Người Mục Tử như Chúa Giêsu dạy: “Ta biết chiên Ta và chiên Ta theo Ta” ( Ga 10, 27). Biết là một động từ Thánh Gioan diễn tả, đó là cái biết bằng cả trái tim và bằng cả lý trí để nhận biết. Chính vì vậy, Chúa Giêsu trân trọng từng con người, dù họ là ai, Chúa vẫn mở lòng yêu thương họ, bởi “Chúa biết con hơn con biết chính con” (Thánh Augustine). Biết người khác để trân trọng, biết mình để giữ được sự tôn trọng.
Tinh tế: Người Mục Tử Nhân Lành còn dạy điều tinh tế với từng người. “Không ai kết án chị sao? Tôi cũng không kết án chị” (Ga 8, 11). Biết lỗi lầm của người khác nhưng lấy lòng nhân từ mà tha thứ, đón nhận. Chúa vẫn nhắc kể cả người Tông Đồ Trưởng riêng tư: “Nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Ga 13, 38). Biết về mỗi người sẽ sai lỗi nhưng Chúa luôn tín nhiệm, cầu nguyện cho người được Chủa thác : “Và Thầy đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin. Và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin.” (Lc 22,31-32). Người mục tử nhân lành, còn là người lo đến đời sống vật chất cho họ: “Khi Thầy sai anh em ra đi, không túi tiền, không bao bị, không giày dép, anh em có thiếu thốn gì không ?” Các ông đáp : Thưa không.”(Lc 22,35). Không chỉ vậy, cả những người đi theo và nghe Lời Chúa đông đảo, Chúa Giêsu vẫn lo cho họ đủ cái ăn, qua phép lạ năm chiếc bánh và hai con cá cho năm ngàn người ăn. Sự tinh tế là một điều cần thiết cho nhà lãnh đạo, từ đời sống tinh thần đến đời sống vật chất và quan trọng là tháo gỡ những vướng mắc riêng tư của từng cá nhân đang làm họ lo âu, buồn khổ.
Trung tín và trách nhiệm.
Người lãnh đạo, luôn cần có sự trung tín từ đời sống thành thật, cởi mở với người khác với sự chân thành. Giữ kiên định trong ý ngay lành, vượt qua những khó khăn để tiến về phía trước, chia sẻ những lo âu với anh chị em đang cùng đường đi: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.” (Mc 14, 34). Mặc dù các môn đệ của Chúa cũng không giúp gì được cho Người, nhưng vẫn cần họ chung sức để nỗ lực vượt qua khó khăn ít ra trong sự đồng cảm. Trung tín không chỉ giữ riêng cho mình còn giúp người khác sống trung tín, đặc biệt cầu nguyện cho họ: “Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý: lời Cha là chân lý.” (Ga 17, 15 – 17). Người lãnh đạo không những chỉ là những người trở nên gương mẫu mà còn là người biết cầu nguyện cho anh chị em của mình, trung tín với sự thật và kiên vững trong mọi sự để tiến tới trong việc ngay lành.
Người lãnh đạo cũng là người chịu trách nhiệm hoàn toàn, dù đó là lỗi của ai, cá nhân nào. Chúa Giêsu trong lời nguyện hiến tế đã nói thi hành trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo như một nguyên tắc cơ bản: “Con tự hiến thánh con, để họ cũng được thánh hiến trong sự thật” (Ga 17, 19). Người nào có quyền cao nhất là người có trách nhiệm lớn nhất, bởi thế: “”Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” (Mc 9, 35).
Người mục tử nhân lành đòi hỏi một đức tính quan trọng trong mọi hành xử là khiêm nhường. Khiêm nhường là để thấy anh chị em luôn quan trọng với sứ vụ của mình: “Trở nên giá chuộc cho mọi người” (Lc 10, 45). Khiêm nhường để thấy mình đã “được cho không thì cũng cho không anh chị em như vậy” (Mt 10, 8). Khiêm nhường là để trở nên những người con bé nhỏ của Chúa, vâng phục Thánh ý Thiên Chúa trong mọi việc, trở nên người tôi trung của Chúa.
Là người mục tử nhân lành như Chúa là một tiến trình để trở nên người lãnh đạo cần thiết cho ngày hôm nay. Cần có nhiều mục tử không những ở trong Hội Thánh mà ngay cả xã hội, chính trị, và ngay từ nơi nhỏ bé trong gia đình, để có thể xây dựng thế giới trong văn hóa tình thương, một nơi con người tìm thấy niềm vui hạnh phúc. Xin Chúa ban cho chúng con những mục tử như lòng Chúa mong ước.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét